Đài CNN (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Jose Raul Mulino ngày 2/2 tái khẳng định rằng chủ quyền của Panama đối với Kênh đào Panama là chuyện không phải bàn cãi. Ông cho biết, trong các cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, ông đã giải quyết những lo ngại của Mỹ về sự hiện diện của Trung Quốc xung quanh tuyến đường thủy quan trọng này.
Tổng thống Mulino nói thêm rằng Panama sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ năm 2017 về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, và gợi ý rằng thỏa thuận với Bắc Kinh có thể chấm dứt sớm.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng chấm dứt sớm", ông Mulino nói với các phóng viên hôm 2/2 sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Rubio với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ.
Theo tờ Economic Times (Ấn Độ), BRI được Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013, đã đóng vai trò là cơ chế quan trọng để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của nước này bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia khác nhau.
Panama đã tham gia sáng kiến này vào năm 2017 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Juan Carlos Varela.
Tại cuộc họp báo ngày 2/2, Tổng thống Mulino cũng cho biết Panama sẽ tìm cách hợp tác với Mỹ về các khoản đầu tư mới, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng.
“Tôi nghĩ chuyến thăm này mở ra cánh cửa xây dựng mối quan hệ mới… và cố gắng gia tăng các khoản đầu tư của Mỹ vào Panama càng nhiều càng tốt”, ông Mulino nói.
Theo CNN, phát biểu của ông Mulino được đưa ra sau bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc họp, trong đó cho biết Ngoại trưởng Rubio đã nói với Tổng thống Mulino và Ngoại trưởng Javier Martinez-Acha của Panama rằng những lo ngại về việc Trung Quốc “kiểm soát” Kênh đào Panama đồng nghĩa với việc Mỹ phải “thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình” theo một hiệp ước lâu đời về tính trung lập và hoạt động của kênh đào.
Theo hiệp ước được ký kết vào năm 1977, Mỹ trả lại kênh đào cho Panama kiểm soát với điều kiện rằng tuyến đường thủy này phải đảm bảo tính trung lập. Mỹ có thể can thiệp quân sự nếu hoạt động của kênh đào bị gián đoạn do xung đột nội bộ hoặc một thế lực nước ngoài.
Hiện tại, lượng hàng hóa qua Kênh đào Panama nhiều hơn hẳn so với thời kỳ nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ.
Theo CNN, mong muốn lặp đi lặp lại và công khai của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ giành lại quyền kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng này đã gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao, với việc Tổng thống Panama Mulino liên tục tuyên bố rằng chủ quyền của Panama đối với kênh đào là chuyện không phải bàn cãi.
Tổng thống Mulino hôm 2/2 cho biết ông không nghĩ rằng có nguy cơ thực sự nào khiến Mỹ sử dụng vũ lực để giành lại Kênh đào Panama.
Ông cũng cho biết chính quyền Panama đang tiến hành kiểm toán đối với một công ty có liên quan tới Trung Quốc, công ty này đang vận hành hai nhà ga quanh Kênh đào Panama.
"Chúng tôi phải đợi cho đến khi cuộc kiểm toán đó kết thúc trước khi có thể đưa ra kết luận pháp lý và hành động phù hợp", ông Mulino cho biết.
Theo CNN, công ty đang được đề cập là Panama Ports Company, do công ty con Hutchinson Ports thuộc tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) nắm giữ cổ phần. Hutchinson Ports là một trong những đơn vị khai thác cảng lớn nhất thế giới, giám sát 53 cảng ở 24 quốc gia, trong đó có các đồng minh khác của Mỹ như Anh, Australia và Canada.
CNN từng đưa tin trước đó, Hutchinson không kiểm soát quyền tiếp cận Kênh đào Panama. Công nhân tại hai cảng của họ chỉ bốc xếp container lên xuống tàu và cung cấp nhiên liệu cho chúng. Ba cảng khác gần kênh đào được điều hành bởi các công ty đối thủ của Hutchison, cung cấp dịch vụ tương tự.
Triển vọng kinh tế và ngoại giao
Tờ Economic Times (ET) nhận định, việc Panama rút khỏi BRI báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này, phản ánh nhu cầu cân bằng các mối quan hệ kinh tế với cả Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù Trung Quốc là nhà đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng của Panama, nhưng việc tăng cường hợp tác với Mỹ có thể định hình lại các chiến lược ngoại giao và kinh tế của quốc gia này.
Panama là quốc gia Mỹ Latin đầu tiên tham gia và rời khỏi BRI, quyết định của nước này tạo ra tiền lệ có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực. Theo ET, việc này liệu có dẫn đến sự thay đổi hơn nữa trong mối quan hệ của Mỹ Latin với Trung Quốc hay không vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng động thái này một lần nữa cho thấy sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.