Theo tờ Wall Street Journal , ông Shou Zi Chew, CEO của TikTok, đã bắt đầu nhắn tin với tỷ phú Elon Musk trong những tuần gần đây. Vị CEO này được cho là đã quen biết lâu năm với người giàu nhất thế giới, nhưng việc liên lạc đã tăng trong những ngày vừa qua. Theo nguồn tin này, ông Shou Zi Chew đã nêu ý kiến của mình về nhiều chủ đề như chính quyền sắp tới cho đến chính sách về công nghệ tiềm năng. Thế nhưng, cả CEO TikTok và tỷ phú Elon Musk đều chưa thảo luận về phương án cụ thể nhằm duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Khi tờ Reuters liên hệ, cả ông Shou Zi Chew, Elon Musk và đại diện TikTok đều không đưa ra bình luận.
Trên thực tế, theo truyền thông quốc tế, tỷ phú Elon Musk đang có những động thái thân thiết chưa từng có với Tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời đang trên đường dấn thân vào chính trị. Sau bầu cử, vị tỷ phú giàu nhất thế giới này đã xuất hiện cùng với ông Donald Trump nhiều lần trước truyền thông. Chính sự gần gũi này đã và đang mang lại cho ông Elon Musk vai trò là một trong những cố vấn thân cận của Tổng thống mới. Đây cũng là điều mà các CEO công nghệ đang cố gắng để tiếp cận và tìm kiếm lời khuyên.
Trước đó, vào năm 2020, ông Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm TikTok nhưng sau đó bị tòa án bác bỏ. Thế nhưng, trong chiến dịch tranh cử gần đây, ông Trump dường như đã thay đổi quan điểm. Theo đó, từ tháng 6, ông Trump đã bắt đầu dùng mạng xã hội này, đồng thời tuyên bố không muốn TikTok bị cấm, ngay cả khi ByteDance không thoái vốn.
Ông Trump chia sẻ với tờ Bloomberg vào ngày 16/7 rằng: " Tôi ủng hộ TikTok vì chúng ta cần có sự cạnh tranh. Nếu không có TikTok thì Facebook và Instagram sẽ không có đối thủ ".
TikTok đang đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ
Vào tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc phải dừng hoạt động vì lo ngại Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ cũng như do thám họ thông qua TikTok. Theo luật này, hạn chót dành cho ByteDance là 19/1/2025, tức là một ngày trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ.
Trước đó, vào tháng 10/2024, 13 bang và một quận ở Mỹ đã đệ đơn kiện TikTok, cáo buộc nền tảng từ Trung Quốc gây nghiện cho thanh thiếu niên. Các vụ kiện này được đệ trình riêng tại tòa án ở New York, California, Quận Columbia và 11 bang khác. Những đơn kiện này đều có chung nội dung cáo buộc TikTok cố tình sử dụng thuật toán gây nghiện cũng như được thiết kế để giữ trẻ nem xem càng lâu và thường xuyên càng tốt. Ngoài ra các đơn kiện cũng cáo buộc TikTok làm sai lệch hiệu quả kiểm duyệt nội dung.
Việc TikTok bị kiện là hành động pháp lý mới nhất mà công ty này phải đối mặt tại Mỹ. TikTok sẽ có phiên điều trần vào đầu năm 2025. Đây cũng là mốc thời gian quyết định số phận của TikTok tại Mỹ.
Theo The Information , trong nửa năm 2024, tổng doanh thu của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã tăng hơn 35% lên khoảng 73 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ByteDance cho thấy công ty này có thể đạt mức doanh thu ngang bằng với Meta trong vài năm tới.
Định giá của ByteDance trên các thị trường thứ cấp chỉ ở mức 230 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 1,4 nghìn tỷ USD của "gã khổng lồ" Meta. Điều này cũng phản ánh các thách thức pháp lý mà ByteDance phải đối mặt ở cả thị trường Trung Quốc và Mỹ. Những thách thức này ảnh hưởng đến kế hoạch IPO và khiến một số nhà đầu tư bán bớt cổ phần.
Ngoài ra, TikTok cũng đang bị yêu cầu cắt đứt quan hệ với ByteDance và tìm một công ty mẹ khác ở Mỹ hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở thị trường này. Bất chấp các thách thức pháp lý cũng như nguy cơ bị cấm tại Mỹ, TikTok vẫn có đóng góp đáng kể vào khoản doanh thu quốc tế (ngoài thị trường Trung Quốc) trị giá tới 17 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024 của ByteDance. Con số này tăng trưởng gần 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Bài tham khảo nguồn: WSJ, Reuters, The Information