'Vàng xanh' quý hiếm của Việt Nam chỉ xuất hiện tại 1/6 các quốc gia trên thế giới: Trung Quốc mạnh tay săn lùng, thu về hàng trăm triệu USD

Admin

Hiện Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.

'Vàng xanh' quý hiếm của Việt Nam chỉ xuất hiện tại 1/6 các quốc gia trên thế giới: Trung Quốc mạnh tay săn lùng, thu về hàng trăm triệu USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024. Nổi bật có kỷ lục xuất khẩu hơn 62 tỉ USD, tăng trưởng 3,2% so với năm ngoái. Trong đó mặt hàng chè có mức tăng trưởng ổn định.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 12,65 nghìn tấn, với trị giá 22,69 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 2,2% về trị giá so với tháng 11/2023.

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 132,985 nghìn tấn, với trị giá 234,685 triệu USD, tăng 25,4% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong 11 tháng năm 2024 đạt 1.765 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

'Vàng xanh' quý hiếm của Việt Nam chỉ xuất hiện tại 1/6 các quốc gia trên thế giới: Trung Quốc mạnh tay săn lùng, thu về hàng trăm triệu USD- Ảnh 2.

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam, chiếm tới 35,1% tổng lượng và 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Nước này đã chi hơn 97 triệu USD để nhập 46,6 nghìn tấn chè từ Việt Nam trong 11 tháng đầu năm.

Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 2, chiếm gần 10,3% tổng khối lượng và 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 13,7 nghìn tấn, tương đương 23,6 triệu USD.

Đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc. Thị trường Đông Á liên tục duy trì vị trí thứ 3 trong năm nay và có sản lượng bám sát thị trường Đài Loan, đạt 12,2 nghìn tấn, tương đương 17,4 triệu USD, tăng 177% về lượng, tăng 85,2% về kim ngạch.

Tỷ trọng xuất khẩu chè sang Trung Quốc chiếm 9,2% tổng lượng và 4,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng sang Trung Quốc chỉ đạt 1.420 USD/tấn, giảm 33,2% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đang là nhà cung cấp chè lớn nhất của nước này trong năm 2024, đồng thời mức tăng nhập từ Việt Nam là cao nhất lên tới 460%. Quốc gia tỷ dân vốn chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ và sở hữu diện tích trồng gấp 14 lần Việt Nam.

'Vàng xanh' quý hiếm của Việt Nam chỉ xuất hiện tại 1/6 các quốc gia trên thế giới: Trung Quốc mạnh tay săn lùng, thu về hàng trăm triệu USD- Ảnh 3.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và 10,9% về giá trị so với năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới đang có xu hướng phục hồi, là tín hiệu tích cực để ngành chè Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Với sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 126,8 nghìn tấn, sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè (trà) đứng thứ 5 trên thế giới. Tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000 ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang...

Hiện, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu.

Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra.