Ván cờ ông Ôn Gia Bảo đi từ 20 năm trước: Khi Trung Quốc sắp “chiếu tướng”, Mỹ còn chưa kịp nhập cuộc?

Admin

Trung Quốc đang thực hiện những bước đi có thể khiến các nước khác – đặc biệt là Mỹ – khó lòng bắt kịp.

Trung Quốc phát triển năng lượng xanh

Năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều tua-bin gió và tấm pin mặt trời hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Sự bùng nổ năng lượng sạch của Trung Quốc hiện đang lan rộng ra toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Brazil, Thái Lan, Morocco, Hungary và nhiều quốc gia khác.

Mặc dù Trung Quốc vẫn đốt than nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại, nhưng nước này đang chuyển sang năng lượng sạch với tốc độ đáng kinh ngạc. Trung Quốc không chỉ trở thành thế lực thống trị trong sản xuất toàn cầu các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin, xe điện và các ngành công nghiệp năng lượng sạch khác, mà còn đang mở rộng vị thế công nghệ theo thời gian.

Nhà sản xuất ô tô lớn nhất, nhà sản xuất pin lớn nhất và công ty điện tử lớn nhất Trung Quốc đều đã giới thiệu công nghệ có thể sạc đầy xe điện chỉ trong 5 phút – giải quyết một trong những trở ngại lớn nhất của xe điện: thời gian sạc quá lâu. 

Trung Quốc hiện nắm giữ gần 700.000 bằng sáng chế về năng lượng sạch – chiếm hơn một nửa số lượng toàn cầu. Sự trỗi dậy của nước này như một cường quốc năng lượng sạch đang định hình lại bức tranh kinh tế toàn cầu và thay đổi mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia mới nổi như Pakistan và Brazil.

Trung Quốc cũng đang thực hiện những bước đi có thể khiến các nước khác – đặc biệt là Mỹ – khó lòng bắt kịp. Vào tháng 4, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu nam châm “đất hiếm” – loại vật liệu Trung Quốc thống trị – trừ khi chúng đã được tích hợp trong sản phẩm hoàn chỉnh như xe điện hay tua-bin gió. 

Mặc dù gần đây Trung Quốc đã bắt đầu cấp phép xuất khẩu trở lại một phần, nhưng động thái này cho thấy thế giới có thể đối mặt với lựa chọn rõ ràng: mua công nghệ năng lượng xanh của Trung Quốc hoặc đứng ngoài cuộc.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu thống trị lĩnh vực năng lượng hạt nhân – một ngành công nghệ cao từng do Mỹ nắm giữ tuyệt đối. Trung Quốc hiện có 31 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng – gần bằng tổng số của phần còn lại của thế giới – và đã công bố những bước tiến trong công nghệ hạt nhân thế hệ mới, bao gồm cả phản ứng tổng hợp hạt nhân, vốn được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng sạch gần như vô tận, dù vẫn chưa thể hiện được tính khả thi về mặt khoa học.

"Trung Quốc rất hùng mạnh", Praveer Sinha – Giám đốc điều hành của Tata Power, một tập đoàn Ấn Độ sản xuất tấm pin mặt trời tại một nhà máy công nghệ cao ở cực nam đất nước, nhưng gần như hoàn toàn phụ thuộc vào silicon sản xuất từ Trung Quốc – cho biết. "Họ thực sự rất mạnh. Không ai trên thế giới có thể cạnh tranh".

Giờ đây, năng lượng mặt trời, pin và ô tô điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đang giúp nhiều nền kinh tế lớn – trong đó có Brazil, Nam Phi và thậm chí là Ấn Độ – đối thủ khu vực của Trung Quốc – chuyển dịch sang công nghệ sạch hơn. Việc các công nghệ này có giá thành phải chăng là yếu tố then chốt giúp giảm lượng khí thải toàn cầu.

Ván cờ ông Ôn Gia Bảo đi từ 20 năm trước: Khi Trung Quốc sắp “chiếu tướng”, Mỹ còn chưa kịp nhập cuộc?- Ảnh 1.

Trung Quốc phát triển năng lượng mặt trời ở tỉnh Sơn Tây (trái) và Mỹ khai thác nhiên liệu hóa thạch ở bang California. Ảnh: NYT

Mỹ mất vị thế dẫn đầu như thế nào?

Mỹ từng có mọi điều kiện để dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo – và trên thực tế, họ đã từng nắm giữ vai trò đó trong quá khứ.

Người Mỹ là những người đầu tiên phát minh ra tế bào quang điện silicon có tính ứng dụng cao vào thập niên 1950 và pin lithium kim loại có thể sạc lại vào những năm 1970. Trang trại điện gió đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại bang New Hampshire cách đây gần nửa thế kỷ. Năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter cho lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái Nhà Trắng như một biểu tượng cho cam kết với năng lượng sạch.

Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên dầu, khí đốt và than đá dồi dào, cùng những chiến dịch vận động hành lang của ngành nhiên liệu hóa thạch nhằm làm lu mờ các mối lo ngại về khí hậu, nỗ lực đầu tư vào năng lượng tái tạo của Mỹ đã lên xuống thất thường – đôi khi sụt giảm một cách đáng kể.

Chẳng hạn, năm 2009, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama khởi động chương trình bảo lãnh tài chính cho các công nghệ năng lượng mới nổi. Tesla nhận được khoản vay 456 triệu USD – một bước đệm quan trọng cho thành công sau này của hãng. 

Nhưng cũng trong chương trình đó, có trường hợp thất bại gây chấn động: Công ty Solyndra – một nhà sản xuất pin mặt trời – sau khi nhận khoản bảo lãnh vay lên tới 528 triệu USD từ liên bang, đã phá sản. Vụ việc khiến người nộp thuế phải gánh chịu thiệt hại và từ đó trở thành cái cớ để những người phản đối chỉ trích năng lượng tái tạo là viển vông và thiếu thực tế.

Sự ám ảnh của Washington với thất bại của Solyndra khiến các quan chức Trung Quốc không khỏi ngạc nhiên.

“Các ông quá lo về Solyndra; đó chỉ là một công ty nhỏ, tại sao lại nghiêm trọng đến vậy?” – Li Junfeng, kiến trúc sư chủ chốt của chính sách năng lượng gió và mặt trời Trung Quốc, từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2017. Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bởi đôi khi rủi ro cũng mang lại phần thưởng lớn.

Thực tế, động cơ để Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ năng lượng sạch không xuất phát từ lo ngại về biến đổi khí hậu, mà từ một tính toán chiến lược về địa chính trị từ cách đây hơn 20 năm. Khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng kiểm soát sản xuất năng lượng là yếu tố cốt lõi cho an ninh quốc gia.

Năm 2003, khi ông Ôn Gia Bảo trở thành Thủ tướng Trung Quốc – ông mang theo tầm nhìn mới về chính sách năng lượngVới nền tảng là một nhà địa chất chuyên về đất hiếm, ông Ôn Gia Bảo xem năng lượng không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là đòn bẩy địa chiến lược.

Trung Quốc lúc đó phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu, dễ bị tổn thương trước bất ổn ở Trung Đông, cũng như sự kiểm soát các tuyến vận tải biển bởi hai cường quốc không hoàn toàn thân thiện là Mỹ và Ấn Độ.

Cùng thời điểm đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trở nên nghiêm trọng tới mức gây chết người, bao trùm các thành phố trong làn khói xám, khiến thế giới phải bàng hoàng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào sản xuất công nghệ thấp. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhìn thấy cơ hội để giải quyết cả hai vấn đề thông qua một chiến lược dài hơi: phát triển ngành năng lượng sạch để vừa cải thiện môi trường, vừa thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Ván cờ ông Ôn Gia Bảo đi từ 20 năm trước: Khi Trung Quốc sắp “chiếu tướng”, Mỹ còn chưa kịp nhập cuộc?- Ảnh 2.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Trung Quốc, phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc năm 2003. Ảnh: Getty

“Họ không muốn chỉ thay thế công nghệ, mà muốn làm chủ công nghệ sạch,” bà Jennifer Turner, Giám đốc Chương trình Môi trường Trung Quốc tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận xét.

Với quyết tâm đó, chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã dành những khoản hỗ trợ khổng lồ cho ngành năng lượng. Hàng trăm tỷ USD trợ cấp đã được bơm vào các lĩnh vực như sản xuất xe điện, điện gió và điện mặt trời, đồng thời bảo hộ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Trung Quốc cũng nhanh chóng giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ nguồn cung một số nguyên liệu chiến lược – như cobalt dùng trong pin.

Chi phí điện rẻ từ các nhà máy than gây ô nhiễm cũng giúp Trung Quốc vận hành hiệu quả các nhà máy luyện nhôm và sản xuất polysilicon – vật liệu cốt lõi cho tấm pin mặt trời – với giá thấp hơn bất kỳ nơi nào khác.

Song song với đó, Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao – điều mà Mỹ thiếu vắng trong những năm gần đây. Theo ông Pan Jian, đồng chủ tịch hãng sản xuất pin hàng đầu thế giới CATL, một khi Trung Quốc đã xác định mục tiêu dài hạn, toàn bộ hệ thống chính trị – xã hội sẽ cùng hướng tới: từ chính phủ, doanh nghiệp, cho tới kỹ sư, công nhân.

Và thành quả đã đến.

CATL – bắt đầu từ một công ty khởi nghiệp mua lại dây chuyền sản xuất pin xe điện từ một hãng Nhật Bản – giờ đã vươn lên thành nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, điều hành mạng lưới toàn cầu gồm các mỏ khoáng, nhà máy tinh chế và lắp ráp. Người sáng lập công ty hiện nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Cùng thời gian đó, Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Mỹ để dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực năng lượng sạch. Năm 2008, Mỹ từng sản xuất gần một nửa lượng polysilicon toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc nắm hơn 90% thị phần. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được đánh giá là sáng tạo nhất thế giới – vượt qua cả Nhật Bản, Đức và Mỹ.

Để tối ưu chi phí, các nhà máy ở Trung Quốc đã được tự động hóa cao độ. Từ năm 2021 đến 2023, Trung Quốc lắp đặt số lượng robot công nghiệp nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại – gấp 7 lần so với Mỹ.

Theo ông Luo Xin – Phó chủ tịch hãng sản xuất pin mặt trời Longi Green Energy – mô hình “sản xuất theo cụm” giúp Trung Quốc đạt hiệu quả vượt trội. "Ở một số khu vực, bạn có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết trong bán kính chỉ vài giờ lái xe: linh kiện, nhà cung cấp, kỹ sư, công nhân lành nghề. Không nơi nào khác trên thế giới hội tụ được như vậy."

Điều này cũng đúng với ngành công nghiệp pin. Theo ông Zeng Yuqun – nhà sáng lập CATL – chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất pin tại Mỹ cao gấp sáu lần so với tại Trung Quốc, ngay cả trước khi chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm các ưu đãi đầu tư vào năng lượng sạch.

Trung Quốc tăng tốc – Mỹ chậm bước

Tháng 6 năm ngoái, trang trại điện mặt trời tại Urumqi – dự án quang điện lớn nhất thế giới – chính thức kết nối với lưới điện quốc gia ở Tân Cương. Công suất phát điện từ trang trại này đủ để đáp ứng nhu cầu điện của cả một số quốc gia nhỏ.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Mười trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hiện đều nằm tại Trung Quốc, và những dự án thậm chí còn quy mô lớn hơn đang được lên kế hoạch. Trong khi đó, hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang xây dựng không chỉ một mà là hai nhà máy sản xuất ô tô điện – mỗi nhà máy có công suất gấp đôi nhà máy lớn nhất thế giới hiện nay của Volkswagen ở Đức.

Mỹ đã phản ứng chậm. Mãi tới cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama và trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các nhà hoạch định chính sách tại Washington mới bắt đầu nhận ra rằng họ đã để Trung Quốc vượt lên và giành phần lớn lợi thế trong cuộc đua năng lượng sạch.

“Mỹ đã ngủ quên quá lâu,”Michael Carr – cựu cố vấn Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên của Thượng viện, nay là Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời – nhận xét. “Ngay cả khi bạn có thể phát minh ra công nghệ vượt trội, điều đó chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có năng lực sản xuất.”

Tất nhiên, Mỹ có thể xoay chiều. Washingtown có thể mạnh mẽ chuyển sang nghiên cứu và đầu tư năng lượng sạch nhưng những cơ hội quý giá đã bị bỏ lỡ.

Tham vọng “quyền lực mềm” của Trung Quốc

Ả Rập Xê Út – vương quốc của dầu mỏ – giờ đây là một trong những khách hàng lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng xanh. Tại chính sa mạc từng nổi tiếng với trữ lượng dầu vô tận, các công ty Trung Quốc đang xây dựng một trong những hệ thống lưu trữ pin lớn nhất thế giới, đi kèm với một trang trại điện mặt trời.

Trên khắp thế giới, Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh của năng lượng sạch để xây dựng hoặc mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế.

Giống như Mỹ, Trung Quốc xem việc đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ là nhu cầu nội tại, mà còn là công cụ để thể hiện sức mạnh. Nhưng cách tiếp cận của hai nước rất khác nhau.

Ngày nay, việc thống trị một số lĩnh vực năng lượng sạch đã giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua việc đầu tư công nghệ năng lượng trên khắp thế giới. Những mối quan hệ kiểu này có thể trở thành nền tảng cho hợp tác tài chính, văn hóa, thậm chí quân sự kéo dài nhiều thập kỷ – khi cục diện địa chính trị toàn cầu thay đổi.

Những dự án năng lượng mà Trung Quốc triển khai hiện nay như vẽ lại bản đồ thế giới. Bắc Kinh đang cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho những khách hàng truyền thống của Mỹ và châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Pakistan, Trung Quốc đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất nước này.

Các công ty Trung Quốc đang lắp đặt tua-bin gió ở Brazil, xe điện ở Indonesia, và xây dựng trang trại gió lớn nhất châu Phi tại phía bắc Kenya. Tại các nước giàu khoáng sản như Zambia – nơi cung cấp nguyên liệu thô thiết yếu cho công nghệ năng lượng sạch – Bắc Kinh đã tài trợ cho nhiều dự án.

Theo dữ liệu từ tổ chức Climate Energy Finance, từ năm 2023, các công ty Trung Quốc đã công bố tổng cộng 168 tỷ USD đầu tư vào sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng sạch ở nước ngoài.

“Họ đang thống trị những thị trường này,” bà Turner, thuộc Trung tâm Woodrow Wilson nhận định. “Và sự thống trị thị trường là một hình thức quyền lực mềm.”

Theo NYT, gov.cn