Tỷ lệ trẻ em giảm liên tục trong 44 năm
Tình trạng dân số trẻ giảm sút tại Nhật Bản đã trở thành một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều thập kỷ, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Theo số liệu mới nhất công bố ngày 5/5 từ chính phủ Nhật Bản, số lượng trẻ em dưới 15 tuổi hiện chỉ còn 14,01 triệu - mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1950. Trẻ em chỉ chiếm 11,1% tổng dân số Nhật Bản, đạt mức 123,4 triệu người vào năm ngoái, dù mức giảm không đáng kể so với năm trước.

Các đô vật sumo nghiệp dư bế trẻ sơ sinh trong cuộc thi "Nakizumo" hay cuộc thi sumo khóc trẻ con ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 26/4. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ trẻ em trên dân số là khoảng 21,7% ở Mỹ vào năm 2023 và 17,1% ở Trung Quốc vào năm 2024. Nhật Bản hiện có tỷ lệ trẻ em thấp nhất thế giới, thấp hơn cả Hàn Quốc (12,1%) và Italia (13,2%). Điều này đặt ra một viễn cảnh u ám: Nhật Bản có thể trở thành quốc gia đầu tiên bước vào "kỷ nguyên hậu trẻ em" - một xã hội nơi người già chiếm đa số tuyệt đối, còn trẻ em trở thành hiếm hoi.
Khủng hoảng nhân khẩu học đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất của Nhật Bản, với tỷ lệ sinh liên tục giảm mặc dù chính phủ đã nỗ lực khuyến khích những người trẻ kết hôn và lập gia đình.
Sự suy giảm dân số trẻ này đặt ra thách thức lớn cho Nhật Bản trong việc duy trì lực lượng lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đâu là nguyên nhân?
Giới trẻ Nhật ngày càng trì hoãn kết hôn, sinh con do lo ngại về chi phí nuôi con, điều kiện nhà ở và môi trường làm việc căng thẳng. Phụ nữ ngày càng ưu tiên sự nghiệp cá nhân trong khi vai trò chia sẻ việc gia đình của nam giới vẫn còn hạn chế.
Năm 2024, số trẻ sơ sinh tại Nhật chỉ đạt 720.988 - thấp nhất kể từ năm 1899. Trong khi đó, có đến 1,62 triệu người tử vong. Sự chênh lệch này khiến dân số tự nhiên giảm gần 900.000 người - con số được đánh giá là đáng báo động đối với một nền kinh tế lớn như Nhật Bản.

Với 11,1% tổng dân số, Nhật Bản là nước có tỷ lệ trẻ em thấp nhất trong G7 và thế giới.
Các chuyên gia cho biết sự suy giảm này dự kiến sẽ tiếp tục trong ít nhất vài thập kỷ và ở một mức độ nào đó là không thể đảo ngược do cơ cấu dân số của đất nước. Nhật Bản là một quốc gia "siêu già", nghĩa là hơn 20% dân số của nước này trên 65 tuổi. Tổng dân số của đất nước này là 123,4 triệu người vào năm 2024 - nhưng đến năm 2065, dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 88 triệu người.
Nhật Bản có nền văn hóa làm việc quá sức ăn sâu. Nhân viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau báo cáo giờ làm việc quá sức và áp lực cao từ cấp trên, khiến nhiều người trẻ trong độ tuổi sinh đẻ tập trung vào sự nghiệp thay vì lập gia đình.
Các chuyên gia cho biết chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trở nên tồi tệ hơn do đồng yên suy yếu, nền kinh tế trì trệ và lạm phát cao đã góp phần gây ra sự bất bình của công chúng.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sinh con như trợ cấp tài chính, miễn học phí mầm non, cải cách chế độ nghỉ thai sản, thậm chí phát triển ứng dụng hẹn hò do chính quyền Tokyo tài trợ. Tuy nhiên, hiệu quả đến nay vẫn rất hạn chế.
Tương lai nào cho Nhật Bản?

Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng nhiều chính sách để thúc đẩy sinh con nhưng số liệu vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn chạm đáy.
Một số nước láng giềng của Nhật Bản, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số, cũng như một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Italia. Tuy nhiên, không giống như nhiều quốc gia Đông Á khác, các quốc gia châu Âu cởi mở hơn nhiều với vấn đề nhập cư để làm chậm quá trình già hóa dân số của xã hội họ.
Trung Quốc, cho đến gần đây vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, đã chứng kiến dân số giảm trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, khi số ca tử vong vượt xa số ca sinh mới. Ấn Độ hiện đã vượt qua Trung Quốc về quy mô dân số.
Các chuyên gia cảnh báo, mếu không có những cải cách toàn diện - từ luật lao động, chính sách nhà ở đến giáo dục giới tính và việc làm bình đẳng - Nhật Bản sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ "xã hội tĩnh lặng", nơi sân chơi không còn trẻ em, trường học phải đóng cửa, và nền kinh tế bị kìm hãm vì thiếu nguồn lực con người. Và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Nhật không còn là vấn đề riêng của một quốc gia.