Ngày 26/12, Bộ Thương mại Trung Quốc (MoC) tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với chất n-butanol nhập khẩu từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia trong 5 năm nữa.
MoC cho biết nếu xóa bỏ thuế chống bán phá giá có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc nối lại hành vi bán phá giá và gây hại cho ngành công nghiệp n-butanol nội địa của Trung Quốc.
N-butanol là một loại hóa chất hữu cơ quan trọng, được sử dụng để sản xuất sơn, chất kết dính, chất hóa dẻo và một số sản phẩm khác.
Tháng 12/2018, Trung Quốc áp dụng mức thuế 52,2-139,3% đối với n-butanol nhập khẩu từ Mỹ và mức thuế 12,7-26,7% đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Malaysia. Mức thuế 56,1% được áp dụng cho tất cả công ty Đài Loan (Trung Quốc), ngoại trừ Formosa Plastics.
Theo báo cáo được Viện nghiên cứu công nghiệp Huajing tại Bắc Kinh công bố, năm 2022, Trung Quốc đại lục nhập khẩu 105.400 tấn (chiếm 66% tổng số) n-butanol từ Đài Loan và 37.300 tấn (chiếm 23,4%) từ Ả-rập Xê-út. Phần còn lại đến từ Nga, Nam Phi và Malaysia.
Báo cáo cho biết các nhà cung cấp n-butanol của Trung Quốc đang thua đối thủ nước ngoài về chất lượng sản phẩm.
Vấn đề Đài Loan
Ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 7 công ty Mỹ và các giám đốc điều hành cấp cao liên quan để trả đũa việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.
Bắc Kinh nói rằng các lệnh trừng phạt của họ cũng nhằm phản ứng Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia của Mỹ cho năm tài chính 2025, bao gồm nhiều mục bất lợi với Trung Quốc.
Họ cho biết các công ty bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản tại Trung Quốc và bị cấm kinh doanh với các công ty và cá nhân Trung Quốc.
Bảy công ty bị trừng phạt gồm: Insitu Inc, Hudson Technologies, Saronic Technologies, Raytheon Canada, Raytheon Australia, Aerkomm Inc và Oceaneering International Inc.
Các công ty này hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Insitu sản xuất máy bay không người lái và là công ty con của Boeing. Aerkomm là công ty công nghệ truyền thông vệ tinh. Oceaneering cung cấp các sản phẩm và giải pháp robot cho ngành năng lượng, quốc phòng, hàng không vũ trụ và sản xuất ngoài khơi.
Vòng trừng phạt mới nhất được Trung Quốc đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép bán lô vũ khí thứ 19 cho Đài Bắc vào ngày 20/12. Thỏa thuận trị giá 295 triệu USD bao gồm các hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật nâng cấp và giá đỡ súng cho tàu của Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 29/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận bán lô vũ khí trị giá 385 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống radar sẽ được giao vào năm 2025.
Ngày 5/12, Trung Quốc tuyên bố trừng phạt 13 công ty Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và truyền thông quân sự, cùng với 6 giám đốc điều hành cấp cao của các công ty.
"Một loạt hành động cho thấy Mỹ vẫn chưa ngừng cố kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thông qua vấn đề Đài Loan. Lời hứa của các chính trị gia Mỹ không còn giá trị gì với chúng tôi nữa", chuyên gia quân sự tại Sơn Tây sử dụng bút danh "Dianwutang" viết trong một bài báo.
“Trung Quốc ngày càng trưởng thành hơn trong việc xử lý xung đột với Mỹ. Nếu Mỹ không hành động, Trung Quốc sẽ không hành động, và nếu Mỹ hành động, Trung Quốc sẽ tấn công chính xác”, Dianwutang viết.
Bài báo nói rằng các công ty Mỹ bị trừng phạt đang trong tình trạng bấp bênh vì không thể mua các nguyên liệu chất lượng cao như gali, germani và antimon từ Trung Quốc. Bài báo cũng nói rằng dù có thể mua những nguyên liệu này thông qua các nước thứ 3, họ sẽ phải trả giá cực kỳ cao.
Stephen Tan, giám đốc điều hành của Nhóm tư vấn chính sách quốc tế, phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến ngày 19/12 rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc ép Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng ông sẽ không dễ dàng thỏa hiệp vì ông Trump ủng hộ chính sách “tự trả phí để được bảo vệ”. Quan điểm này có thể dẫn đến việc gia tăng doanh số bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan.
Cạnh tranh công bằng?
Ngày 23/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra theo Mục 301 về việc Trung Quốc trừng phạt các chất bán dẫn cơ bản hoặc chip cũ để giành quyền thống trị và tác động đến nền kinh tế Mỹ. Ngày 26/12, Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng cuộc điều tra.
Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) thuộc Bộ Thương mại cho biết trong một cuộc họp báo ngày 27/12, rằng cuộc điều tra của Mỹ là một ví dụ rõ ràng về chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Sun Xiao, người phát ngôn của CCPIT, kêu gọi Mỹ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngay lập tức dừng hạn chế đơn phương, đồng thời thúc đẩy hợp tác công nghiệp với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn.
Ông chỉ trích Mỹ gây suy yếu các nguyên tắc cạnh tranh công bằng thông qua biện pháp hỗ trợ ngành bán dẫn của chính mình.
CCPIT không nêu chi tiết về các hành động mà họ sẽ thực hiện nhưng rõ ràng đang cảnh báo Mỹ rằng Trung Quốc có thể ngừng mua chip của Mỹ nếu cần.
Đầu tháng này, một số nhóm ngành công nghiệp Trung Quốc kêu gọi các thành viên của họ không mua các chất bán dẫn cũ do Mỹ sản xuất do lo ngại về "an toàn", sau khi Washington công bố các biện pháp mới để kiểm soát xuất khẩu chip của Trung Quốc.