Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi bê robot, AI đi… trồng rau giữa sa mạc, khẳng định trình độ công nghệ nông nghiệp vươn đến top đầu toàn cầu

Admin

"Thủ phủ rau xanh" của Trung Quốc đang đưa nông nghiệp thông minh đến sa mạc UAE.

Thành phố Thọ Quang ở miền Đông Trung Quốc nổi tiếng với sản lượng rau củ dồi dào. Với lợi thế sẵn có, thành phố này đang xây dựng một trung tâm nông nghiệp thông minh rộng 100.000 mét vuông tại vùng sa mạc khắc nghiệt của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Dự án này cho thấy những tiến bộ trong công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 19/5, công ty công nghệ nông nghiệp hàng đầu UAE là Silal đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn Shouguang Vegetable Industry Group. Đôi bên cùng đầu tư 120 triệu dirham (tương đương 32,67 triệu USD) để thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp tại Trung Đông.

Sáng kiến này nằm trong chiến dịch vươn ra toàn cầu của nơi được ví như “thủ phủ rau xanh” của Trung Quốc. Đây đồng thời là một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng công nghệ nông nghiệp ra các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trung tâm mới sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot để tối ưu hóa hiệu quả và độ chính xác trong các khâu gieo trồng, kiểm soát khí hậu, tưới tiêu và thu hoạch. Theo Tân Hoa Xã, khu phức hợp này sẽ hỗ trợ trồng hơn 10 loại cây như cà chua, dưa chuột, dưa lưới và dâu tây.

Ông Yang Ming, người sáng lập Shouguang Vegetable Industry Group, cho biết Abu Dhabi giúp cung cấp môi trường thử nghiệm thực tế cho việc triển khai các hệ thống tiên tiến trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

CEO Saleem al-Ameri của công ty Silal nhận định sự hợp tác này sẽ trở thành mô hình đổi mới nông nghiệp cho toàn khu vực Vịnh Ba Tư, góp phần tạo nên khuôn khổ phát triển bền vững và có khả năng mở rộng cho toàn khu vực.

Trung tâm sẽ được trang bị hệ thống nhà kính nhập khẩu từ Thọ Quang, được tùy chỉnh riêng cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại UAE. Theo Tân Hoa Xã, các công nghệ gồm có nhà kính kính quang điện thông minh, nhà màng và nhà kính năng lượng mặt trời có diện tích lớn.

Hệ thống hạ tầng hỗ trợ sẽ bao gồm phòng thí nghiệm AI, khu kiểm nghiệm công nghệ, hệ thống xử lý nước, khu nuôi trồng nấm ăn được và trung tâm hậu cần chuỗi lạnh. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp khép kín từ ươm giống đến xuất khẩu.

Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi bê robot, AI đi… trồng rau giữa sa mạc, khẳng định trình độ công nghệ nông nghiệp vươn đến top đầu toàn cầu- Ảnh 1.

Thoả thuận với mới cũng phản ánh xu hướng mở rộng thương mại nông nghiệp của Trung Quốc. Trong tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc báo cáo rằng xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật sang các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tăng 15,5% trong quý 1, trong khi xuất khẩu máy móc nông nghiệp tăng vọt 37,2%.

Với sản lượng 9 triệu tấn rau mỗi năm, Thọ Quang đang tích cực chuyển đổi số. Một trong những doanh nghiệp chủ lực trong quá trình này là công ty công nghệ Shandong Lisente Agricultural Technology. Công ty này đã xây dựng 272 vùng canh tác tại 29 quốc gia trong vòng 15 năm qua.

Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Han Jun trong một bài viết đăng trên tạp chí Qiushi đã khẳng định công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc đã “vươn lên nhóm đầu thế giới”. Công nghệ nông nghiệp đóng góp vào tiến bộ nông nghiệp với tỷ lệ 63,2%; giống cây trồng cải tiến phủ hơn 96% diện tích canh tác và mức độ cơ giới hóa vượt 75%.

Tuy vậy, ông Han cho rằng ngành nông nghiệp Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng, hướng đến đổi mới độc lập. Trong khi đó, các lĩnh vực mũi nhọn như chỉnh sửa gen, sinh học tổng hợp và trí tuệ nhân tạo sẽ định hình tương lai của công nghệ nông nghiệp toàn cầu.

 (Theo SCMP)