Nếu không có căn hộ nào mới được xây dựng, trong khi doanh số bán nhà tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, sẽ cần đến 8 năm để Trung Quốc bán hết tất cả các ngôi nhà trống quanh khu vực Lạc Dương - thành phố 7 triệu dân nằm ở miền trung đất nước.
Đây là điểm nóng của cuộc khủng hoảng bất động sản, nơi nhiều năm xây dựng quá mức biến toàn bộ các quận thành nghĩa địa nhà ở. Những bãi đất hoang trải dài bằng bê tông khiến cảnh quan thành phố càng trở nên tồi tệ.
Tình trạng xây dựng quá mức của Trung Quốc đã bị đem ra tranh cãi trong nhiều năm. Những câu chuyện về "thành phố ma" bắt đầu gây chú ý vào năm 2010, tiếp theo là các báo cáo về cách nhiều khu vực trống được lấp đầy. Một cựu phó giám đốc cục thống kê cho biết vào năm ngoái, rằng ước tính toàn bộ dân số Trung Quốc mới có thể lấp đầy những ngôi nhà trống kia.
Theo The Economist, Trung Quốc hồi tháng 7 có 32 triệu ngôi nhà không bán được. Các bất động sản nhàn rỗi hoặc những căn hộ đã được mua trước đó để đầu tư nhưng không người ở có thể tăng thêm 49 triệu.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể diễn biến tích cực nếu thị trường nhà ở chưa được giải quyết ổn thỏa. Lãnh đạo nước này tin rằng cách dễ nhất để làm điều đó là tập trung vào các căn hộ nhàn rỗi.
Kể từ ngày 24 tháng 9, loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã được đưa ra. Đáng chú ý, ngân hàng trung ương thay đổi một số điều khoản tín dụng, cho phép các ngân hàng thương mại tái cấp vốn 100% các khoản vay cho doanh nghiệp nhà nước (SOE ). Các nhà lãnh đạo cũng có thể dành riêng 4 nghìn tỷ nhân dân tệ dưới dạng trái phiếu đặc biệt mà chính quyền địa phương có thể sử dụng để mua đất bỏ hoang và nhà chưa bán được, theo Reuters.
“Các chính quyền địa phương hành động rất chậm chạp”, Chủ tịch Ding Zu Yu của nền tảng thông tin bất động sản Shanghai CRIC Info Tech Co nhận định. Theo ước tính của ông Ding, tính đến tháng 7, số nhà đã mua lại trong kế hoạch này chỉ chiếm 1,9% số căn hộ tồn trên toàn quốc.
Bằng cách nhắm mục tiêu vào những ngôi nhà chưa bán được, chính phủ tin rằng họ có thể giải quyết một số vấn đề nhức nhối nhất của nền kinh tế. Tình trạng dư thừa nhà ở trước đó đã buộc các nhà phát triển phải giảm giá, đồng thời kéo theo niềm tin của giới đầu tư.
Chi tiêu cho nhà mới có thể sẽ giảm từ hơn 16 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 xuống còn khoảng một nửa trong năm nay. Các nhà phân tích tại S & P Global, một công ty xếp hạng tín nhiệm, nói một cách ngắn gọn: “Quá nhiều cổ phiếu, quá ít niềm tin”.
Kể từ khi chính phủ thay đổi thái độ về nền kinh tế vào cuối tháng 9, đã có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ dần được cải thiện. Doanh số bán nhà tăng trong kỳ nghỉ lễ gần đây. Một số biện pháp, chẳng hạn như lãi suất thế chấp thấp hơn và nới lỏng các hạn chế tại các thành phố lớn, có lẽ đã giúp thuyết phục người dân mua nhà.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại rằng kế hoạch của chính phủ cuối cùng sẽ không thể giúp ích cho thị trường. Các quan chức địa phương dường như không mấy quan tâm đến việc mua những ngôi nhà chưa bán được.
Tốc độ triển khai của kế hoạch giải cứu bất động sản cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi tìm cách vực dậy thị trường địa ốc đang chìm trong cuộc khủng hoảng kỷ lục. Tianfeng Securities, một công ty môi giới, tính toán rằng chính quyền trung ương sẽ phải tốn 7 nghìn tỷ nhân dân tệ để mua tất cả các căn hộ nhà trống của đất nước. Con số này lớn hơn nhiều so với số tiền mà nhà nước sẵn sàng bỏ ra. Do đó, các thành phố như Lạc Dương có khả năng sẽ phải xử lý nhà ở không mong muốn trong nhiều năm nữa.
“Chúng tôi dự đoán chương trình mua nhà tồn sẽ không được triển khai rộng rãi, do thiếu vốn và thực tế là các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước phải chịu toàn bộ rủi ro tín dụng và đầu tư”, bà Zerlina Zeng - nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Creditsights Singapore LLC - nhận định.
Thực tế, mua lại nhà tồn được coi là bước quan trọng để giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung nhà, song việc tiếp nhận vốn từ trung ương để thực thi kế hoạch này vẫn còn ở mức rất thấp. Dữ liệu đã được công bố cho thấy, mới chỉ có 12,1 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD), tương đương 4% trong chương trình cho vay lại trị giá 300 tỷ nhân dân tệ của PBOC, được giải ngân tính đến cuối tháng 6.
Dù vậy, chương trình này được cho là có nguy cơ gây thêm căng thẳng cho nền tài chính địa phương vốn đang bấp bênh. Khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã suy giảm nhiều so với trước dây do thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất giảm mạnh.
Theo: The Economist, Reuters