"Trở về từ vùng lạnh": Nhân vật đáng chú ý bắt tay ông Tập tại sự kiện quy tụ trùm công nghệ Trung Quốc

Admin

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với các giám đốc công ty công nghệ rằng họ có "tiềm năng to lớn và triển vọng đầy hứa hẹn".

Đài CNN (Mỹ) đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba Mã Vân (Jack Ma) và các giám đốc công nghệ hàng đầu của nước này tại Bắc Kinh hôm 17/2 trong một hội nghị về kinh tế tư nhân, báo hiệu các quan chức Trung Quốc có thể đang định hướng đất nước theo hướng thân thiện hơn với doanh nghiệp sau nhiều năm siết chặt quản lý.

Bên cạnh Jack Ma, những giám đốc công nghệ khác tham dự hội nghị bao gồm nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, Giám đốc điều hành (CEO) BYD Vương Truyền Phúc, CEO CATL Tăng Ngọc Quần, CEO Tencent Mã Hóa Đằng, CEO Meituan Vương Hưng, CEO Xiaomi Lôi Quân và CEO DeepSeek Lương Văn Phong, theo bản tin trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.

"Trở về từ vùng lạnh": Nhân vật đáng chú ý bắt tay ông Tập tại sự kiện quy tụ trùm công nghệ Trung Quốc- Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma tại hội nghị về kinh tế tư nhân ở Bắc Kinh vào ngày 17/2. Ảnh chụp màn hình bản tin CCTV

Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc đã nói với các giám đốc công nghệ rằng họ có "tiềm năng to lớn và triển vọng đầy hứa hẹn". Ông Tập cho biết những thách thức kinh tế của Trung Quốc chỉ là tạm thời và cũng cam kết sẽ xóa bỏ rào cản đối với sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

“Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát triển mạnh mẽ”, ông Tập phát biểu tại hội nghị về kinh tế tư nhân được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh - nơi ông từng chủ trì một hội nghị tương tự với người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân vào năm 2018.

Theo CNN, hội nghị lần này diễn ra chỉ vài tuần sau khi mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất của công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu và các công ty AI bằng cách mang lại hiệu suất làm việc tương đương với những gã khổng lồ trong ngành có trụ sở tại Mỹ nhưng có chi phí thấp hơn đáng kể.

Thành công của DeepSeek cũng mang lại sự lạc quan cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, vốn vẫn đang phục hồi sau cuộc trấn áp công nghệ kéo dài hơn ba năm.

Cuộc trấn áp đó được các nhà chức trách Trung Quốc khởi xướng vào cuối năm 2020 sau khi Jack Ma chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng Trung Quốc trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt.

Những lời chỉ trích gay gắt của Jack Ma đã góp phần tạo ra cuộc trấn áp về quy định lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Trung Quốc.

Tại cuộc họp hồi tháng 9/2021 với các bên liên quan, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) vào thời điểm đó Phương Tinh Hải cho biết, hành động trấn áp công nghệ là để tăng cường quy định cho những công ty có nền tảng đông người dùng, đồng thời cải thiện quyền riêng tư dữ liệu và an ninh quốc gia.

Cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp tư nhân đã xóa sổ hơn 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường của nhiều doanh nghiệp lớn, ảnh hưởng đến vận mệnh của những công ty công nghệ khổng lồ như Alibaba, Tencent, Didi, Meituan.

Kể từ đó, Jack Ma - người vốn được biết đến với những phát biểu mạnh bạo - đã gần như không còn xuất hiện trước công chúng.

Mặc dù chiến dịch trấn áp công nghệ dường như đã kết thúc hơn một năm trước, một số chủ doanh nghiệp lớn vẫn còn do dự và không dám mở rộng hoạt động kinh doanh như đã từng phát triển mạnh mẽ trước đó.

Theo giáo sư luật Angela Huyue Zhang tại Đại học Nam California (Mỹ) - người đã viết một cuốn sách về quy định đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc, sự góp mặt của Jack Ma tại hội nghị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cho thấy cuối cùng Bắc Kinh cũng đã cho cuộc trấn áp trở thành chuyện quá khứ.

"Với nền kinh tế trong nước đang chậm lại và áp lực địa chính trị leo thang, chính phủ [Trung Quốc] đang thể hiện rõ rằng họ coi trọng và dựa vào khu vực tư nhân để thúc đẩy đổi mới và kích thích tăng trưởng", bà nói với CNN.

Thời điểm diễn ra hội nghị lần này rất quan trọng vì nó báo hiệu "nỗ lực mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và khôi phục niềm tin của doanh nhân", bà Zhang nói thêm.

Vào ngày 14/2, sau khi tin tức về hội nghị được hãng Reuters (Anh) đưa tin, trên Sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng - phản ánh vốn hóa các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc - đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.

"Trở về từ vùng lạnh": Nhân vật đáng chú ý bắt tay ông Tập tại sự kiện quy tụ trùm công nghệ Trung Quốc- Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị về kinh tế tư nhân với sự tham gia của nhiều giám đốc công ty công nghệ hàng đầu nước này. Ảnh: Tân Hoa xã

Quyền lực của khu vực kinh tế tư nhân

CNN đưa tin, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải vật lộn trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Thay vì phục hồi nhanh chóng sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2022, nền kinh tế nước này đã chao đảo, chịu áp lực bởi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và lòng tin của người tiêu dùng thấp.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách thúc đẩy khu vực tư nhân.

Theo Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9/2024, số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc đã vượt quá 180,86 triệu, chiếm 96,37% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong đó, 55,54 triệu là công ty tư nhân và hơn 125,32 triệu là doanh nghiệp tự kinh doanh.

Theo CNN, các doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp hơn 60% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hơn 80% việc làm của Trung Quốc.

Hội nghị giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân "rõ ràng đại diện cho một sự điều chỉnh lớn" trong chính sách của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân, Fred Hu - chủ tịch công ty đầu tư Primavera Capital (Hong Kong, Trung Quốc) - nói với Reuters.