Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức hội đàm khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế châu Âu

Admin

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi một châu Âu mạnh mẽ và thống nhất sau cuộc hội đàm tại Paris, Pháp vào ngày 22/1.

Cuộc hội đàm cấp cao Pháp - Đức diễn ra nhằm nỗ lực củng cố các chính sách trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế mới đối với châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tìm cách thể hiện sự thống nhất trong một cuộc họp tại Paris vào ngày 22/1, khi châu Âu đang đấu tranh để phản ứng trước các mối đe dọa áp thuế từ Tổng thống Trump.

Ông Trump - người cũng đã đe dọa áp thuế nặng đối với Canada, Mexico và Trung Quốc - cho biết vào ngày 21/1 rằng châu Âu có thặng dư thương mại đáng lo ngại với Mỹ và "sẽ phải chịu thuế".

Trong tuyên bố với các phóng viên tại Điện Elysee, cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz đều nhấn mạnh rằng châu Âu rất mạnh mẽ và mối quan hệ Pháp - Đức rất vững chắc, đồng thời dự đoán sẽ có nhiều khó khăn.

Thủ tướng Đức Scholz nói: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Châu Âu là một khu vực kinh tế lớn với khoảng 450 triệu dân. Chúng tôi mạnh mẽ. Chúng tôi đoàn kết với nhau. Châu Âu sẽ không cúi mình và lẩn tránh".

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức hội đàm khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế châu Âu- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tuyên bố chung tại Điện Elysee ở Paris, ngày 22/1

Tổng thống Macron từ lâu đã thúc đẩy châu Âu tự lực hơn.

"Sau khi chính quyền mới tại Mỹ nhậm chức, người dân châu Âu và hai quốc gia của chúng ta cần phải đóng vai trò củng cố một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ và có chủ quyền hơn bao giờ hết" - ông nói.

Hai nhà lãnh đạo đã đề cập các ngành thép, ô tô và hóa chất - những mục tiêu có thể bị Mỹ áp thuế - là rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp và nhà phân tích cho biết nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho thấy bằng chứng rằng ông thường công khai đưa ra các mối đe dọa về thuế quan và các biện pháp khác để sử dụng làm đòn bẩy, nhưng cuối cùng lại không thực hiện chúng.

Nhiều quốc gia EU với nền kinh tế định hướng xuất khẩu đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn do cuộc chiến Nga - Ukraine và sự chậm lại trong thương mại với Trung Quốc, và họ không thích ý tưởng về một "mặt trận mới" với Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi các chính trị gia hàng đầu của Đức thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Mỹ, Pháp cho rằng EU phải từ chối sự ép buộc kinh tế và áp dụng thuế quan trả đũa nếu bị tấn công.