“Tôi không thể ngừng khóc”: Người đàn ông mất 170 người thân, bạn bè sau động đất Myanmar

Admin

Chỉ trong một buổi cầu nguyện định mệnh, ông mất cùng lúc 170 người thân, bạn bè và người quen trong cộng đồng Hồi giáo.

Chiều thứ Sáu (28/3), khi tiếng gọi cầu nguyện vang lên tại Sagaing - tâm chấn của trận động đất - hàng trăm người Hồi giáo đã đổ về các đền thờ để tham gia buổi cầu nguyện cuối cùng trong tháng Ramadan.

Tuy nhiên, đúng 12h51, một trận động đất mạnh xảy ra, khiến 3 ngôi đền sụp đổ, trong đó có đền Myoma - lớn nhất khu vực. Gần như tất cả người bên trong đều thiệt mạng.

Cách đó hàng trăm km, cựu imam (giáo sĩ) của đền Myoma, ông Soe Nay Oo, cũng cảm nhận được rung chấn khi đang ở thị trấn Mae Sot, sát biên giới Thái Lan.

Trong những ngày sau đó, ông hay tin khoảng 170 người thân, bạn bè và thành viên trong cộng đồng tín hữu cũ của ông đã thiệt mạng, chủ yếu trong các ngôi đền. Một số nạn nhân là nhân vật có vai trò quan trọng trong cộng đồng Hồi giáo gắn bó tại thành phố này.

“Tôi luôn nghĩ về những người đã mất, cả những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, có em còn rất nhỏ. Tôi không thể ngừng khóc mỗi khi nhắc đến chuyện này”, ông chia sẻ với BBC.

“Tôi không thể ngừng khóc”: Người đàn ông mất 170 người thân, bạn bè sau động đất Myanmar- Ảnh 1.

Ông Soe Nay Oo

Hơn 2.700 người đã thiệt mạng trong trận động đất xảy ra gần Sagaing và Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Giới chức cho biết con số thương vong có thể còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thi thể trong đống đổ nát.

Khu vực này không chỉ nổi tiếng với các chùa Phật giáo cổ kính mà còn có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống đông đảo. Theo thông tin từ lãnh đạo Myanmar Min Aung Hlaing hôm thứ Hai (31/3), khoảng 500 người Hồi giáo đã thiệt mạng khi đang cầu nguyện tại các đền thờ.

Nhân chứng tại Sagaing nói với BBC rằng con đường nơi tập trung nhiều đền thờ Hồi giáo là nơi bị tàn phá nặng nề nhất thành phố. Nhiều ngôi nhà trên tuyến phố này cũng đã bị sập. Hàng trăm người hiện đang trú tạm bên lề đường, vì mất nhà cửa hoặc quá sợ hãi để quay về do lo ngại dư chấn. Nguồn cung thực phẩm tại đây được cho là đang rất khan hiếm.

Riêng tại đền Myoma, hơn 60 người được cho là đã bị vùi chết trong vụ sập. Hàng chục người khác cũng thiệt mạng tại hai ngôi đền Myodaw và Moekya. Tính đến thứ Ba (01/04), các đội cứu hộ vẫn đang tiếp tục đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát.

Ông Soe Nay Oo, người nhận được nhiều thông tin từ những người sống sót, cho biết có dấu hiệu cho thấy các tín đồ đã cố gắng chạy thoát. Hiện ông sống cùng vợ và con gái ở thành phố Mae Sot (Thái Lan). 

Ông kể rằng một số thi thể được tìm thấy bên ngoài sảnh cầu nguyện - khu vực người Hồi giáo thường rửa tay chân trước khi vào trong. Có người còn nắm chặt tay người khác, như thể đang cố kéo nhau chạy khỏi ngôi đền đang đổ sập.

Trong số những người thân yêu thiệt mạng, ông Soe Nay Oo đau lòng nhất khi mất một người chị họ của vợ - người luôn yêu thương gia đình ông và được cả nhà quý mến. Ông gọi đây là “nỗi đau lớn nhất” trong suốt 13 năm làm imam.

Một người họ hàng khác - doanh nhân thành đạt - cũng ra đi. “Anh ấy luôn coi tôi là em trai,” ông xúc động kể.

Ông cũng mất đi người trợ lý cũ tận tụy, hiệu trưởng trường công kiêm nữ quản trị viên duy nhất của đền Myoma, người thường âm thầm tài trợ cho các hoạt động của đền.

Mỗi khi nghe tin thêm một người trong cộng đồng qua đời, ông lại thấy lòng quặn thắt. Dù không phải họ hàng ruột thịt, họ đều là những người đã cùng ông cầu nguyện, chia sẻ niềm tin.

“Tôi không thể ngừng khóc”: Người đàn ông mất 170 người thân, bạn bè sau động đất Myanmar- Ảnh 2.

Những bức ảnh được gửi cho ông Soe Nay Oo cho thấy đền Myoma đã hoàn toàn đổ nát

Cộng đồng Hồi giáo ở Sagaing đang chật vật lo hậu sự cho hàng trăm người thiệt mạng sau động đất. Nghĩa trang Hồi giáo địa phương bị đóng cửa, buộc họ phải đưa thi thể sang Mandalay qua cây cầu duy nhất. Nhiều người không thể được chôn cất đúng theo nghi lễ.

Ông Soe Nay Oo, hiện sống ở Thái Lan, cho biết mình day dứt vì không thể ở bên cộng đồng và những người thân yêu lúc này. “Với người Hồi giáo, điều đau lòng nhất là không thể tự tay chôn cất người thân trong hành trình cuối cùng của họ”, ông nghẹn ngào.

Những người sống sót đang cố gắng tham gia cứu hộ, dù bản thân vẫn chưa vượt qua được cú sốc. “Một số người nhờ tôi cầu nguyện cho họ. Thật sự, họ không thể diễn tả được nỗi mất mát bằng lời”, ông chia sẻ.

Ông đã tạm ngưng công việc để tập trung hỗ trợ cứu hộ từ xa. Theo ước tính của ông, hiện vẫn còn ít nhất 1.000 người Hồi giáo cần được giúp đỡ.

Nguồn: BBC