Thành phố nhỏ của Trung Quốc gánh đòn
Vào mỗi mùa Giáng sinh, hình ảnh tuyết rơi, âm nhạc rộn ràng và những ngôi nhà lung linh ánh đèn và cây thông Noel rực rỡ là khung cảnh quen thuộc tại hàng triệu gia đình Mỹ. Song, ít ai ngờ rằng phần lớn những món đồ trang trí mang đậm không khí lễ hội ấy lại được sản xuất cách đó nửa vòng trái đất, tại một thành phố nhỏ ở Trung Quốc có tên Nghĩa Ô.
Nằm ở tỉnh Chiết Giang, Nghĩa Ô từ lâu đã được mệnh danh là “Thành phố Giáng sinh” của thế giới. Gần 90% hàng trang trí Giáng sinh tiêu thụ tại Mỹ xuất phát từ đây. Trái tim thương mại của thành phố là chợ Nghĩa Ô – khu chợ bán buôn lớn nhất thế giới.
Đây là một khu phức hợp rộng hơn 4 triệu m2, tương đương với khoảng 750 sân bóng đá. Bên trong, khách hàng đi qua những hành lang hẹp tràn ngập hàng hóa, từ búp bê ông già Noel chơi đàn piano đến cây thông Noel giả — cũng như vô số mặt hàng khác dành cho các hộ gia đình Mỹ, bao gồm mũ "Make America Great Again", súng massage và ghế cắm trại gấp.

Nghĩa Ô, thành phố Trung Quốc được gọi là "Thành phố Giáng sinh" vì nơi đây cung cấp khoảng 90% tổng số đồ trang trí Giáng sinh được sử dụng ở Mỹ. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, những ngày này, bầu không khí kinh doanh tại Nghĩa Ô đang trở nên ảm đạm. Nhiều nhà cung cấp tại đây đang phải vật lộn với mức thuế quan ba chữ số do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Tổng mức thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc hiện đã vượt quá con số đáng kinh ngạc là 145%, mức thuế thương mại cao nhất mà Mỹ áp dụng trong gần một thế kỷ.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ đã mất đi khách hàng, doanh thu giảm mạnh và buộc phải chuyển hướng kinh doanh để thích nghi.
Ran Hongyan, 43 tuổi, người đã bán đồ trang trí Giáng sinh trong 15 năm, cho biết: "Một số khách hàng lâu năm đã ngừng giao dịch với chúng tôi và tất cả chúng tôi đều rất buồn".
Sau khi mức thuế bổ sung được áp dụng, Ran đã cố gắng giảm giá cho khách hàng người Mỹ để cứu vãn mối quan hệ nhưng không hiệu quả. Ran cho biết tám trong số mười người đã hủy hợp đồng trong năm nay, gây thiệt hại hơn 135.000 USD.
Ran cho biết xuất khẩu Mỹ chỉ chiếm một phần trong tổng số khách hàng của cô nhưng họ không chỉ là những con số trên màn hình hoặc sổ kế toán. Nhiều người là đối tác lâu năm. Ran đã gặp một khách hàng người Mỹ tại một hội chợ thương mại ở Trung Quốc cách đây nhiều năm và họ đã làm việc cùng nhau trong gần một thập kỷ; khách hàng đó thậm chí còn đi đến thăm nhà máy của Ran.
Nhưng giờ, họ buộc phải hủy hợp đồng vì không thể chịu nổi mức thuế cao như vậy. "Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài", Ran nói.
Cú sốc thuế quan
Dù chỉ có quy mô dân số khoảng hai triệu người – khá khiêm tốn so với mặt bằng chung ở Trung Quốc – Nghĩa Ô vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2023, thành phố xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 81 tỷ USD, trong đó 11,5 tỷ USD được chuyển đến thị trường Mỹ.

Chợ bán buôn Nghĩa Ô thường được coi là lớn nhất thế giới, trải dài nhiều dãy phố. Ảnh: CNN
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Tại chợ Nghĩa Ô, nhiều tiểu thương cho biết họ không còn thấy bóng dáng khách hàng Mỹ.
Li Xinyao đã làm việc tại doanh nghiệp kinh doanh hoa giả của gia đình tại chợ Nghĩa Ô kể từ khi năm 1993, bán những bó hoa hồng, hoa hướng dương, hoa cúc nhựa và nhiều loại khác. Hiện tại họ không có khách hàng người Mỹ nào và doanh thu của họ đã bị ảnh hưởng kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra.
"Mỹ vẫn là quốc gia giàu nhất", cô nói. "Người Mỹ luôn tác động đến thế giới. Khi họ bắt đầu chiến tranh thương mại, tất cả mọi người sẽ lo lắng về điều đó...".
Cô cho biết nền kinh tế toàn cầu bất ổn cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của cô vì đồ trang trí, như hoa giả, có thể là mặt hàng đầu tiên bị cắt giảm khi khách hàng cần cắt giảm chi tiêu.
Trung Quốc xoay trục
Trong bối cảnh căng thẳng kéo dài, Trung Quốc đã và đang điều chỉnh chiến lược thương mại. Từ năm 2018, Bắc Kinh đã chủ động đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ. Nếu như năm 2018, Mỹ chiếm 19,2% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, thì đến năm 2024, con số này chỉ còn 14,7%.
Nie Ziqin, kinh doanh đồ trang trí Halloween, cũng đang chuyển hướng. "Trước đây, một nửa lượng hàng của tôi được bán sang Mỹ. Giờ đây, tôi đang chuyển tất cả hàng hóa bị khách hàng Mỹ từ chối sang tuyến EU", Nie cho biết.
Cô cũng đầu tư thêm vào thương mại điện tử xuyên biên giới và thị trường nội địa. "Năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu thiết kế các sản phẩm mà chúng tôi có thể bán cho thị trường nội địa Trung Quốc".
Sự thay đổi không chỉ diễn ra ở khâu sản xuất hay xuất khẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng trở nên dè dặt hơn với hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ. Ran thẳng thắn: "Khi mua sắm hàng ngày, nếu chúng tôi muốn mua một chiếc túi hoặc một số đồ dùng thiết yếu hàng ngày, chúng tôi sẽ bắt đầu cân nhắc xem những sản phẩm này có được nhập khẩu từ Mỹ hay không”.
Và nếu những hàng hóa đó được sản xuất tại Mỹ, cô khẳng định: "Tôi chắc chắn sẽ không mua chúng".
(Theo CNN)