Thị trường bộ nhớ 2025: Đà tăng giá lan rộng trên nhiều phân khúc

Admin

Thị trường bộ nhớ toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, dưới tác động của làn sóng AI, sự phát triển của điện toán đám mây và nhu cầu lưu trữ tốc độ cao trên các thiết bị đầu cuối.

Trước tình trạng mất cân đối cung – cầu và biến động giá khó lường, các doanh nghiệp công nghệ cần sớm xây dựng chiến lược ứng phó nhằm tránh rơi vào thế bị động.

Giá bộ nhớ tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung

Theo báo cáo thị trường của TrendForce (tháng 5/2025), các nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới như Samsung, SK hynix, Micron, Kioxia và Western Digital đã đồng loạt cắt giảm sản lượng NAND từ 10–15% trong nửa đầu năm. Động thái này nhằm tái cân bằng cung – cầu và tạo nền tảng cho giá hồi phục từ các quý tiếp theo. Bên cạnh đó, nhu cầu NAND trên kênh bán lẻ đang bắt đầu khởi sắc, góp phần giữ giá ổn định và hạn chế xu hướng giảm trong giai đoạn đầu năm.

Không chỉ NAND, phân khúc DRAM cũng chứng kiến biến động mạnh, đặc biệt với dòng DDR4. Theo Tom’s Hardware (tháng 7/2025), giá DDR4 trên thị trường bán lẻ đã tăng gấp đôi chỉ trong hai tháng. Các nguồn như SemiMedia và FTC Electronics ghi nhận mức tăng 50–100% trong quý II, tập trung ở các sản phẩm phục vụ hệ thống công nghiệp và máy chủ thế hệ cũ - vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong vận hành thực tế.

Nguyên nhân chính đến từ việc ba nhà sản xuất lớn là Samsung, SK hynix và Micron đồng loạt tuyên bố ngừng sản xuất DDR4 vào cuối năm 2025, khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong khi nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao. Dù đã được thương mại hóa, DDR5 vẫn chưa thể phổ cập rộng rãi do chi phí đắt đỏ và yêu cầu thay đổi toàn diện cả phần cứng lẫn phần mềm. Trong quý III, giá DDR5 tiếp tục tăng nhẹ, chủ yếu do nhu cầu từ các hệ thống mới cùng với xu hướng tăng tốc đầu tư vào AI và HPC tại các trung tâm dữ liệu.

Ở phân khúc bộ nhớ băng thông cao (HBM) chủ yếu phục vụ hệ thống AI và HPC, giá vẫn ở mức cao do nguồn cung tiếp tục bị hạn chế. Theo báo cáo mới nhất của TrendForce (tháng 7/2025), giá HBM đã tăng 15–20% trong quý III và dự kiến có thể tiếp tục nhích thêm 5–8% trong quý IV, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và tiến độ mở rộng sản xuất của các nhà cung cấp.

Những động lực thúc đẩy chu kỳ tăng giá mới

Hiện có nhiều yếu tố đang đồng thời tác động lên thị trường bộ nhớ khiến giá tăng cao và nguồn cung trở nên khan hiếm.

Trước hết, làn sóng đầu tư vào AI, Cloud và HPC đang thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ với DRAM tốc độ cao, enterprise SSD và đặc biệt là HBM - những thành phần chủ chốt trong mô hình AI thế hệ mới. Tiếp đến là việc khai tử DDR4 đồng loạt trong năm nay đang đặt áp lực lớn lên chuỗi cung ứng, trong khi phần lớn hệ thống máy chủ và thiết bị công nghiệp chưa thể nâng cấp lên DDR5 ngay lập tức. Mặt khác, các nhà sản xuất lớn đang chuyển trọng tâm đầu tư sang DDR5 và HBM, đồng thời chủ động kiểm soát sản lượng NAND, tạo ra tình trạng thiếu hụt có chủ đích nhằm duy trì biên lợi nhuận.

Một số yếu tố chính sách như trợ giá thiết bị điện tử tại các thị trường mới nổi cũng vô tình tạo thêm động lực phục hồi cho NAND, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình tăng giá trên toàn thị trường.

Trong bối cảnh thị trường bộ nhớ vẫn bị chi phối bởi chiến lược sản xuất và chính sách của các tập đoàn lớn, việc kỳ vọng giá giảm sâu trong ngắn hạn là điều khó xảy ra. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến từ bên ngoài như chiến tranh thương mại, rào cản thuế quan hay các chính sách bảo hộ công nghệ khiến diễn biến giá cả trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết.

Thị trường bộ nhớ 2025: Đà tăng giá lan rộng trên nhiều phân khúc- Ảnh 1.

Nguồn cung bộ nhớ bị siết chặt bởi chính sách sản xuất của các hãng lớn (Ảnh: Công ty Cổ phần VDO cung cấp)

Bước đi nào giúp doanh nghiệp không lỡ nhịp thị trường bộ nhớ?

Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển quan trọng của ngành bộ nhớ khi các xu hướng công nghệ mới cùng sự thay đổi trong chuỗi cung ứng đang tái định hình toàn bộ thị trường. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm, khi tốc độ tăng trưởng đi kèm với nhiều rủi ro về nguồn cung và chi phí.

Để ứng phó hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định đúng chủng loại bộ nhớ phù hợp với hạ tầng hiện tại, lựa chọn thời điểm mua vào hợp lý và xây dựng chiến lược dự trữ tối ưu. Những đơn vị có sự chuẩn bị bài bản sẽ chiếm ưu thế rõ rệt về chi phí, tính ổn định và tốc độ triển khai dự án trong bối cảnh giá cả đang leo thang.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần VDO – đơn vị phân phối bộ nhớ chính hãng từ các thương hiệu quốc tế ghi nhận nhu cầu tăng mạnh với RAM DDR4, DRAM công nghiệp và NAND Flash. Đây là phản ứng kịp thời từ các doanh nghiệp còn vận hành hệ thống cũ, đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu lớn và điện toán biên, nhằm giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và tối ưu chi phí đầu vào.

Trong bối cảnh thị trường tiếp tục biến động khó lường, việc đầu tư đúng thời điểm và lựa chọn đúng loại bộ nhớ sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh trong nửa cuối năm 2025.