Bản tin Thị trường Nông lâm thủy sản vừa được Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại và Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát hành.
Theo Bản tin, Indonesia và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về giao thức xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, cho phép sầu riêng của nước này vào thị trường Trung Quốc.
Bản tin dẫn nhận định từ Trung tâm Cải cách Kinh tế Indonesia cho biết sầu riêng nước này có cơ hội lớn trên thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu, nhưng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc ở mức thấp.
Theo dữ liệu thống kê của Indonesia, chỉ có 27 tấn sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2024 trong số gần 2 triệu tấn được sản xuất, và trong 5 tháng đầu năm 2025 Trung Quốc chưa nhập khẩu sầu riêng từ thị trường này.
Những thách thức về hậu cần và cấp phép trước đây đã cản trở xuất khẩu. Giao thức mới công nhận vai trò của Cơ quan Kiểm dịch Indonesia trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm sầu riêng đông lạnh. Điều này dự kiến sẽ giảm bớt những thách thức về cấp phép trước đây.

Trước đó, Lào đã phân bổ nhượng quyền hơn 273 ha cho 3 công ty trong nước để trồng sầu riêng trong 30 năm, với mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến năm ngoái, diện tích trồng sầu riêng của Lào đã đạt hơn 3.000 ha và dự kiến sẽ tăng mạnh. Chính phủ Lào đã đồng ý giao 12.000 ha đất nông nghiệp cho các công ty Trung Quốc chuyên trồng sầu riêng nhằm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay, Thái Lan vẫn là nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào thị trường tỷ dân. Theo bản tin, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập hơn 390 nghìn tấn sầu riêng, trị giá 1,9 tỷ USD, phần lớn đến từ Thái Lan với 328 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 21,8% về l ượng và 23,9% về trị giá so với cùng kỳ.
Chất lượng sầu riêng đầu mùa tại miền Nam Thái Lan giảm khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạm dừng mua, đẩy giá xuống dưới 100 Baht (tương đương 3,07 USD)/kg. Mùa sầu riêng ở miền Đông Thái Lan dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6. Điều kiện thời tiết không ổn định và lượng mưa lớn đã khiến sầu riêng có chất lượng thấp hơn, khiến các thương nhân chuyển hướng tập trung sang phía Nam, nơi mùa sầu riêng mới chỉ bắt đầu.
Việt Nam xuất khẩu hơn 61 nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, trị giá 254 triệu USD, giảm 61,7% về lượng và 61,6% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.
Bản tin dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, và việc đẩy mạnh đa dạng thị trường.
Thứ hai, việc giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để phục hồi xuất khẩu sầu riêng và các mặt hàng rau quả khác sang thị trường này. Việt Nam đang ưu tiên cấp mã vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hợp lý hóa các quy trình kiểm tra.
Ngoài Việt Nam là Thái Lan, hiện Malaysia và Philippine cũng đang xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, tuy nhiên lượng xuất khẩu không đáng kể.