Trong 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng thép toàn cầu đã giảm 1,3% so với cùng kỳ xuống 784 triệu tấn do nhu cầu yếu từ các ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp trên thế giới.
Thép Việt tăng mạnh khi thị trường thế giới đi xuống
Mặc dù nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm, nhu cầu thép nội địa vẫn tăng mạnh 11% trong 5 tháng đầu năm 2025 , được hỗ trợ từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công (theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam – VSA).

Theo báo cáo về ngành thép của SSI Research, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở cả thị trường quốc tế và trong nước, dẫn đến vai trò ngày càng quan trọng của thị trường thép nội địa so với xuất khẩu .
Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã công bố thuế sơ bộ cho hai biện pháp chống bán phá giá quan trọng đối với HRC từ Trung Quốc (tháng 3) và tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (tháng 4), từ đó tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước (HRC – HPG & Formosa, tôn mạ: HSG, NKG, GDA…).
Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, thép Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ mạnh hơn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ (tăng thuế thép từ 25% lên 50% từ tháng 6) và châu Âu (áp thuế nhập khẩu cũng như hạn ngạch đối với HRC, CRC và các loại thép khác).
Do đó, xuất khẩu thép giảm mạnh 30,9% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2025 (HRC giảm 62,9%, tôn mạ giảm 38,6%, thép cây giảm 7,4%). Trước bối cảnh thay đổi mạnh mẽ này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường tập trung vào thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Chính phủ thúc đẩy khu vực tư nhân cung cấp thép chuyên dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 68, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép nâng mức độ sản xuất lên các sản phẩm kỹ thuật cao hơn trong chuỗi giá trị.
"Thần hộ mệnh" của Hòa Phát: Bám chặt thị trường nội địa
Theo SSI, các doanh nghiệp sản xuất thép chất lượng cao trong nước (như tập đoàn Hòa Phát - mã chứng khoán HPG) sẽ có cơ hội tham gia và cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam (tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD).
Hòa Phát đã bắt đầu xây dựng nhà máy thép hình chất lượng cao, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, nhằm sản xuất các sản phẩm thép chuyên dụng cho đường sắt.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2025 của Hòa Phát, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng chia sẻ Hòa Phát luôn chủ trương tập trung vào thị trường nội địa và giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%.
Năm 2024, thị trường trong nước khó khăn nên tỷ trọng xuất khẩu là 31%. Tuy nhiên, mục tiêu nhất quán và dài hạn của doanh nghiệp này là duy trì tỷ lệ 20%.

SSI Research dự báo kênh tiêu thụ nội địa có thể duy trì tăng trưởng tích cực nhờ thị trường bất động sản phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.
Các động thái chính sách đã giúp lĩnh vực bất động sản phục hồi trong năm nay, với số lượng dự án được phê duyệt trong quý 1/2025 tăng 36% so với cùng kỳ và tổng số căn hộ được phê duyệt tăng 61% so với cùng kỳ, trong khi số căn hộ được cấp phép bán tăng gấp 3,6 lần.
Báo cáo vừa công bố của Hòa Phát cho biết, quý 2/2025, Tập đoàn sản xuất 2,5 triệu tấn thép thô, tương đương quý 1 và tăng 10% so với cùng kỳ 2024. Sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý trước và 18% so với cùng kỳ năm 2024.
Thép cuộn cán nóng lần đầu tiên ghi nhận sản lượng bán hàng vượt 1,1 triệu tấn trong một quý , tăng 18% so với quý 1. Với 1,3 triệu tấn, sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát trong quý vừa qua tăng 7% so với quý 1.
Sản phẩm hạ nguồn HRC như tôn mạ, ống thép của Hòa Phát đạt lần lượt 110.000 tấn và 216.000 tấn trong quý 2, tăng mạnh so với quý đầu năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 5,1 triệu tấn thép thô, tăng 17% so với 6 tháng đầu năm 2024. Bán hàng HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 5 triệu tấn, tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong đó, thép cuộn cán nóng đóng góp 2,2 triệu tấn, tăng 42% so với nửa đầu năm 2024. Thép xây dựng, thép chất lượng cao của Tập đoàn ghi nhận 2,5 triệu tấn, tăng 11% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng với 38%.
Hiện Tập đoàn Hòa Phát đang tập trung cao độ vào việc hoàn thiện và cho ra sản phẩm của lò cao số 6, tiến tới hoàn thành phân kỳ 2 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9 năm nay.
Sau khi hoàn thành, sản lượng thép toàn Tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm. Trong đó có 8,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng , đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.
SSI Research kỳ vọng số lượng dự án mở bán mới và căn hộ bán ra sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong những năm tới.
Cùng với đó, vào ngày 4/7/2025, thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng (HRC) đã được công bố, với ít thay đổi so với kết quả sơ bộ trước đó. Mức thuế này sẽ có hiệu lực trong tối đa 5 năm, mang lại sự hỗ trợ ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Các biện pháp chống bán phá giá tương tự đối với tôn mạ dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa cuối năm 2025, sau giai đoạn rà soát sơ bộ.
SSI Research kỳ vọng các biện pháp này sẽ củng cố hàng rào bảo hộ và góp phần mở rộng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. SSI Research cho rằng những diễn biến này tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa, giúp cải thiện thị phần và lợi nhuận.
Theo SSI, triển vọng lợi nhuận của ngành vẫn tích cực, chủ yếu được thúc đẩy bởi kết quả khả quan của Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Trong nửa cuối năm 2025, HPG dự kiến sẽ vận hành giai đoạn 1 của Dung Quất 2 ở công suất tối đa sau giai đoạn thử nghiệm, và bắt đầu vận hành giai đoạn 2 vào giữa quý 3/2025. Với các biện pháp bảo hộ thương mại đang được áp dụng, SSI dự báo HPG sẽ cải thiện đáng kể về sản lượng và biên lợi nhuận, giúp lợi nhuận sau thuế ước tính tăng 63% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2025.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG), SSI Research duy trì quan điểm thận trọng hơn. Thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh, và biên lợi nhuận có khả năng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao.
Về dài hạn, SSI lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong phân khúc tôn mạ nội địa, do rào cản xuất khẩu tăng và kế hoạch mở rộng công suất của các doanh nghiệp lớn như NKG và GDA. Các kế hoạch mở rộng này dự kiến sẽ bổ sung thêm 1,5 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất nội địa lên 8,7 triệu tấn – tăng 20% so với công suất hiện nay. Với sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2024 của tôn mạ và ống thép chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn, ngành thép Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng dư thừa công suất khoảng 10%, từ đó gây áp lực lên biên lợi nhuận.