Tâm sự của người đàn ông đi mua nhà: “Tôi chờ ý kiến của vợ, quay lại thì căn nhà đã bị mua mất”

Admin

Đó là chia sẻ của anh Q, sống tại quận Tân Bình (Tp.HCM). Thời gian anh xem nhà đến lúc mất đi cơ hội mua căn ưng ý chỉ diễn ra trong vòng 5 ngày.

Mất gần 2 tiếng đồng hồ giữa buổi trưa nắng gắt để di chuyển từ quận Bình Tân sang quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), anh Q tỏ ra tiếc nuối vì không mua được căn nhà ưng ý.

Chia sẻ lại câu chuyện mua nhà đầu năm của mình, anh Q cho biết, sau Tết nguyên đán 2025, anh đi xem một số căn nhà riêng lẻ tại khu Đông Tp.HCM để mua ở. Vợ chồng anh có dự định chuyển về khu vực này sinh sống.

Vào buổi trưa cuối tuần, sau khi đi làm từ công ty về, anh hẹn môi giới đi xem căn nhà 3 tầng tại quận 9. Anh di chuyển mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vì đường xa nên anh Q đi một mình thay vì cả hai vợ chồng cùng đi xem nhà. “Vợ tôi dặn, quay video căn nhà lại để cô ấy xem và quyết định”, anh Q cho biết.

Sau khi xem kỹ càng căn nhà, anh Q rất ưng ý, chỉ chờ ý kiến của vợ là báo lại môi giới để “chốt”. Tuy nhiên, đến khi vợ đã ưng và muốn quay lại căn nhà để xem thực tế thì cũng là lúc môi giới báo, căn nhà đã có người mua. Tính ra, từ lúc anh đi xem đến lúc mất đi cơ hội mua căn ưng ý chỉ diễn ra trong vòng 5 ngày.

Theo anh Q, dù khá buồn nhưng âu cũng là chữ “duyên” khi đi mua nhà. Anh cho biết, anh sẽ tiếp tục chờ cơ hội khác, cũng mong mua được sớm vì sợ giá tăng.

Tâm sự của người đàn ông đi mua nhà: “Tôi chờ ý kiến của vợ, quay lại thì căn nhà đã bị mua mất”- Ảnh 1.

Ảnh: Tiểu Bảo

Ông Phan Vi, người có nhiều năm môi giới nhà phố tại Tp.HCM, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng cho hay, trường hợp người mua lỡ cơ hội mua nhà dù rất ưng ý diễn ra khá nhiều trên thị trường. Rất hiếm trường hợp khách “xuống tiền” ngay khi xem căn nhà đầu tiên. Họ thường “cân nhắc” vì nhiều yếu tố. Trường hợp chờ ý kiến “quyết định” của vợ như anh Q cũng là một trong số nhiều lý do để họ xem xét căn nhà trước khi mang tiền sang “cọc”.

Thứ nhất , khách mua thường cân nhắc về mức giá.

Thứ hai , có một số vấn đề phát sinh từ chính căn nhà như hiện trạng cũ, cần sửa nhiều mặc dù mọi thứ đã ổn.

Thứ ba, phải chờ ngân hàng trả lời mới đưa ra quyết định (trường hợp khách vay ngân hàng).

Thứ tư, người mua vẫn hy vọng có thêm căn vừa ý hơn.

Thứ năm, người mua đợi thị trường giảm nhiệt để mua được giá tốt hơn.

Thứ sáu , người thân ở nhà quá nhiều nhu cầu và không thể thống nhất mua bất động sản như thế nào.

Thứ bảy , người mua lưỡng lự giữa nhu cầu mua ở và mua kinh doanh. Có người mục đích mua để ở nhưng khoảng vài năm là bán ra, nên chủ đích tìm kiếm các căn nhà có vị trí tốt, dễ bán nhưng yêu cầu mức giá phải mềm.

Thứ tám, tâm lý của bên đi mua là kiếm cơ hội mua nhà giá ngộp. Trong tay họ có khoảng 30% giá trị căn nhà, cùng môi giới đi xem rất nhiều nhưng không ra được quyết định.

Theo ông Phan Vi, có nhiều khách hàng sẵn dòng tiền nhưng vì cầm quá lâu sợ mất giá nên đi tìm mua bất động sản. Việc mua nhà đất cũng chỉ là dạng ưu tiên 2 đối với họ. Bên cạnh đó, nhiều người lỡ cơ hội mua được căn nhà ưng ý còn đến từ việc thay đổi kế hoạch mua nhà trong khoảng thời gian ngắn (ngưng mua). Ngoài ra, có nhiều trường hợp đi mua nhà vì sợ giá bất động sản tăng chứ trước đó họ không có dự định gì.