Sở Xây dựng TPHCM nêu 'bí quyết' giảm giá nhà đất

Admin

Giá nhà ở tại TPHCM hiện vẫn thuộc hàng cao nhất cả nước, trong khi cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng. Nhà ở thương mại giá bình dân gần như vắng bóng, người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận nhà ở phù hợp.

Cần giải pháp căn cơ

Đó là nhận định của ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TPHCM tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội chiều 10/7.

Theo ông Dũng, tình trạng giá nhà cao một phần đến từ cấu trúc thị trường bất động sản thành phố nghiêng về phân khúc cao cấp, trong khi những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực – như nhà ở xã hội , nhà cho công nhân, nhà thương mại giá thấp – lại thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm khiến mặt bằng giá bị đẩy lên và duy trì ở mức cao nhiều năm qua.

Sở Xây dựng TPHCM nêu 'bí quyết' giảm giá nhà đất- Ảnh 1.

Giá nhà tại TPHCM thời gian qua đang neo ở mức cao do khan hiếm nguồn cung

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai dự án. Những vướng mắc pháp lý liên quan đến đầu tư, quy hoạch, đất đai , chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay tín dụng... khiến nhiều dự án bị đình trệ. Không ít dự án bị “treo” kéo dài, không thể triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm tốc độ tăng cung của thị trường.

Để giá nhà trở nên hợp lý hơn, ông Dũng nhấn mạnh cần một loạt giải pháp đồng bộ, xuất phát từ chính quyền thành phố chứ không thể chỉ trông chờ vào điều chỉnh tự phát của thị trường.

Giải pháp căn bản đầu tiên là phải tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế. Thành phố cần đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà thương mại giá thấp bằng cách ưu tiên quỹ đất và cơ chế ưu đãi đầu tư. Đây được xem là chìa khóa để cạnh tranh trực tiếp với các dòng sản phẩm cao cấp đang chiếm lĩnh thị trường, đồng thời giúp đại đa số người dân có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở.

Mặt khác, TPHCM phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý đang kìm hãm quá trình triển khai dự án. Các thủ tục như giao đất, định giá đất, chấp thuận đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng cần được cải cách mạnh mẽ để rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tăng tính minh bạch. Việc xử lý dứt điểm các dự án treo cũng sẽ giúp sớm đưa quỹ nhà mới vào thị trường, góp phần cân bằng cung cầu.

Về minh bạch thị trường, ông Dũng cho biết Sở Xây dựng TPHCM đang phối hợp với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cung cấp thông tin quy hoạch, dự án một cách công khai, rõ ràng. Người dân có thể chủ động tiếp cận thông tin qua cổng thông tin của thành phố hoặc liên hệ UBND địa phương nơi có dự án để kiểm tra tính pháp lý, tránh bị ảnh hưởng bởi các đợt sốt ảo hay chiêu trò “thổi giá”.

Cùng với các giải pháp trên, việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và mở rộng không gian đô thị cũng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết giá nhà. Khi TP.HCM được mở rộng địa giới hành chính, quỹ đất mới và hệ thống hạ tầng kết nối tốt sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành các khu đô thị vệ tinh. Những khu vực này nếu được quy hoạch tốt, có giao thông thuận tiện, sẽ giúp phân bố lại dân cư và giảm áp lực về nhà ở tại khu trung tâm.

Xử nghiêm hành vi “thổi giá”

Về phía tài chính, TP.HCM cũng cần phối hợp các bộ ngành để đề xuất các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hỗ trợ người dân thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt thị trường, xử lý nghiêm các hành vi tạo sóng ảo, thao túng giá hoặc đầu cơ tích trữ làm nhiễu loạn thị trường nhà ở.

Sở Xây dựng TPHCM nêu 'bí quyết' giảm giá nhà đất- Ảnh 2.

TP.HCM cần có những giải pháp căn cơ để tăng nguồn cung, kéo giảm giá nhà

Liên quan đến định hướng phát triển đô thị, ông Dũng cho biết TPHCM sẽ tiếp tục bám sát các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt, đồng thời cập nhật và điều chỉnh phù hợp với ranh giới hành chính mới. Thành phố đặt mục tiêu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng đa trung tâm, gắn với các đầu mối giao thông lớn và phân vùng chức năng rõ rệt như đô thị cảng biển, đô thị sân bay, đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị đại học…

Quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 11/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để TPHCM phát triển thành một trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, gắn kết với thế mạnh sản xuất công nghiệp của Bình Dương, tiềm năng du lịch biển của Bà Rịa – Vũng Tàu, và hệ thống logistics hàng hải trong khu vực.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc phát triển đô thị sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm, hạn chế mở rộng tràn lan, đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu, từ đó đảm bảo phát triển bền vững cho không gian đô thị mở rộng của TPHCM trong thời gian tới.