"Siêu lục địa" độc nhất thế giới, chứa loại năng lượng quốc gia nào cũng khát: Đang được "đắp tấn tiền"!

Admin

Công trình này thể hiện tham vọng đáng kinh ngạc của quốc gia vùng Bắc Âu.

Thế giới đang đối mặt thách thức toàn cầu mang tên biến đổi khí hậu. Để giải quyết bài toán thời đại, chúng ta cần có tham vọng cộng lòng dũng cảm: Tham vọng táo bạo và suy nghĩ lớn trong việc theo đuổi một tương lai năng lượng sạch; và lòng dũng cảm để đưa ra những lựa chọn khó khăn nhằm hiện thực hóa tham vọng đó.

Khi gần 200 chính phủ tại Hội nghị COP28 ở Dubai nhất trí về mục tiêu lịch sử là tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, họ đã chứng minh tham vọng táo bạo cần thiết để thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Đảo Gió của Đan Mạch - hòn đảo năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới - là một trong những tham vọng táo bạo thể hiện lòng dũng cảm phi thường như thế. Cùng xem quốc gia Bắc Âu đã "thuận theo tự nhiên" như thế nào?

"Siêu lục địa" năng lượng hiếm có của thế giới

Gió ở Biển Bắc cũng giống như Mặt trời ở sa mạc Sahara. Và cũng giống như Sahara - là một địa điểm hấp dẫn để tạo ra năng lượng Mặt trời, thì Biển Bắc là nơi lý tưởng để tạo ra điện từ gió. 

Đan Mạch - một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi - đang làm điều đó ở vùng biển cách đất liền 100 km.

Lấy tên là Đảo Gió (VindØ), hòn đảo này được ví như "siêu lục địa" năng lượng hiếm có của Trái đất với các điều kiện tối ưu để tạo ra năng lượng sạch, xanh bằng cách sử dụng tua-bin gió.

"Siêu lục địa" độc nhất thế giới, chứa loại năng lượng quốc gia nào cũng khát: Đang được "đắp tấn tiền"!- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về hòn đảo năng lượng tái tạo đầu tiên của thế giới, mang tên Đảo Gió. Nguồn: VindØ Consortium

Tính cho đến thời điểm hiện tại, Đảo Gió đang được Tập đoàn VindØ Energy Island Consortium cùng các đối tác toàn cầu tiến hành xây dựng. Dự kiến đến năm 2036, hòn đảo sẽ có công suất 3 Gigawatt điện gió ngoài khơi, theo thông tin cập nhật của Reuters.

Không dừng ở con số 3 Gigawatt, Đan Mạch tham vọng đưa Đảo Gió kết nối 10 Gigawatt điện gió ngoài khơi vào lưới điện quốc gia. Con số này tương đương với 25 trang trại điện gió ngoài khơi truyền thống. 10 Gigawatt điện này có thể cung cấp điện cho 10 triệu hộ gia đình châu Âu.

Hòn đảo dự kiến sẽ bao phủ một diện tích từ 120.000 đến 460.000 mét vuông (tương đương với 18 đến 64 sân bóng đá), tùy thuộc vào việc nó sẽ có công suất 3 hay 10 Gigawatt.

Để có được công trình khổng lồ giữa biển như thế này, Đan Mạch phải chi rất rất nhiều tiền. Nói về chi phí xây dựng và vận hành Đảo Gió, Tập đoàn Tư vấn quốc tế COWI của Đan Mạch đưa ra con số ban đầu. COWI cho biết mức chi phí phụ thuộc vào công suất mà hòn đảo năng lượng này tạo ra. Cụ thể, để tạo ra công suất 3 Gigawatt điện, Đảo Gió cần 7,93 tỷ Euro (gần 208.000 tỷ VND, tính theo tỉ giá hiện tại).

Khi Đan Mạch tham vọng "nâng cấp" công suất điện lên con số 10 Gigawatt điện thì chi phí cho vận hành và truyền tải điện lên đến gần 33 tỷ Euro. Tất nhiên, con số chi phí có thể thay đổi tùy thuộc vào tốc độ xây dựng, lắp đặt công nghệ... tại hòn đảo nhân tạo này.

Hòn đảo năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới không chỉ cung cấp lượng điện khổng lồ, sạch, xanh và ổn định cho Đan Mạch và các nước láng giềng, mà còn tổ chức một khu vực đổi mới để hỗ trợ phát triển các giải pháp lưu trữ năng lượng và truyền tải điện quy mô lớn.

Đảo Gió sẽ được nối với đất liền bằng công nghệ dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC). Bộ chuyển đổi HVDC sẽ được sử dụng để đóng gói năng lượng từ trang trại gió ngoài khơi và vận chuyển nó vào đất liền.

Vì sao Đan Mạch "đắp tấn tiền" cho Đảo Gió?

Không ngẫu nhiên mà Đan Mạch lại đầu tư nhiều thời gian, công sức cũng như "đắp tấn tiền" vào hòn đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới này. 

Thứ nhất, công trình này hoạt động nhờ vào tự nhiên hoàn toàn. Nhờ sức mạnh của gió ngoài khơi Biển Bắc, qua bàn tay và công nghệ hiện đại, Đan Mạch tạo ra được nguồn điện sạch, khổng lồ.

"Siêu lục địa" độc nhất thế giới, chứa loại năng lượng quốc gia nào cũng khát: Đang được "đắp tấn tiền"!- Ảnh 2.

Biển Bắc là một trong những vùng biển có điều kiện phát triện điện gió thuận lợi. Nguồn: Internet

Nói thêm về vấn đề này, Công ty điện và khí đốt đa quốc gia National Grid plc của Anh phân tích: Biển Bắc là một trong những nguồn năng lượng gió ngoài khơi ổn định tốt nhất châu Âu vì khu vực này có gió cực mạnh với biển tương đối nông, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các trang trại gió ngoài khơi. Đến năm 2030, Biển Bắc có thể mang lại nguồn điện khổng lồ, đủ cấp điện cho hơn 120 triệu ngôi nhà.

Thứ hai, Đảo Gió là một trong những trọng tâm trong Kế hoạch hành động về khí hậu năm 2020 của chính phủ Đan Mạch. Bộ Năng lượng Đan Mạch cho biết, Đảo Gió sẽ giúp thúc đẩy quá trình điện khí hóa xã hội Đan Mạch và cho phép các hộ gia đình và công ty nước này sử dụng điện xanh để tiêu thụ điện.

Thứ ba, mục tiêu lâu dài của Đảo Gió xa và bền vững hơn nữa đó là kết nối điện sạch với châu Âu và quốc tế. Vì tầm nhìn về hòn đảo năng lượng của quốc gia vùng Scandinavia phù hợp với chiến lược triển khai năng lượng tái tạo của Liên minh Châu Âu (EU), trong đó nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận nhiều không gian biển hơn, cải thiện hợp tác khu vực và quốc tế về năng lượng, đồng thời phát triển các công nghệ mới để truyền nhiều năng lượng xanh hơn từ ngoài khơi vào đất liền và xa hơn nữa là kết nối với mạng lưới trang trại gió quốc tế.

Nhìn rộng hơn, Đảo Gió hứa hẹn là nơi sẽ khai thác các nguồn tài nguyên đại dương để hỗ trợ "Nền kinh tế xanh" của cả châu Âu và quốc tế. Nguồn năng lượng tái tạo này được các nhà khoa học dự đoán sẽ tăng đột phá trong tương lai.

The Guardian trích nghiên cứu từ tạp chí Geophysical Research Letters (thuộc Liên đoàn Địa vật lý Mỹ) cho thấy tiềm năng trung bình toàn cầu về sản xuất điện gió ngoài khơi có thể tăng từ 4% đến 18%, tùy thuộc vào kịch bản phát thải, với mức tăng cục bộ lên tới 26% trên vùng biển châu Âu vào năm 2100.

Năng lượng tái tạo (như năng lượng gió, năng lượng Mặt trời...) đang là một trong những nguồn năng lượng sạch, quan trọng mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng cần để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế cũng như đáp ứng các mục tiêu về khí hậu chung của nhân loại. 

Tham khảo: Windisland, Stateofgreen, PC Group