Trước chủ trương này, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo tỉnh, các kỹ sư du học về
Sau 8 năm tạm dừng, Ninh Thuận chuẩn bị làm điện hạt nhân
Sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thống nhất chủ trương tái khởi động, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh mới.
Đồ họa: TUẤN ANH
Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nói Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là "vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận".
"Ninh Thuận sẽ có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể ngay sau khi có lộ trình của Trung ương về các công việc của nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn các bộ ngành trung ương có những cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân vùng dự án khi về nơi ở mới, đảm bảo các điều kiện về đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân" - ông Nam nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói thêm tỉnh có tiềm năng về phát triển năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018.
Tỉnh đã xác định năng lượng là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong quy hoạch và phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân, có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm năng khoa học - công nghệ của đất nước.
Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành "trung tâm công nghiệp xanh, sạch" nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Còn ông Lê Kim Hoàng - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận - cho hay việc tái khởi động điện hạt nhân sẽ mở ra cơ hội mới cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, biến Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Do đó, ngành sẽ khẩn trương tham mưu điều chỉnh kế hoạch kêu gọi đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể khi có dự án điện hạt nhân.
"Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ thực hiện theo hướng rút gọn để đảm bảo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành sớm nhất trong năm 2025" - ông Hoàng nói.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương, ông Nguyễn Đức Thanh - bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận - cho biết thực hiện nghị quyết của Trung ương về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã phê duyệt đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư, quy hoạch chuyển đổi đất đai tạo điều kiện ổn định sản xuất của nhân dân.
Điều quan trọng là tỉnh vẫn giữ các vị trí đã quy hoạch, đảm bảo thuận lợi để tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho hay tỉnh Ninh Thuận cũng xin chủ trương của Trung ương điều chỉnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 22 HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (từ ngày 9 đến ngày 10-12), ông Phạm Văn Hậu - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận - nhấn mạnh việc tái khởi động dự án điện hạt nhân sẽ tác động lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận 5 năm tới.
Ông Hậu đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành khẩn trương tham mưu điều chỉnh kịp thời các quy hoạch đã ban hành như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các dự án... đảm bảo phù hợp với chủ trương chung về phát triển điện hạt nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Người dân phải được hưởng thành quả của phát triển
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi thăm và làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận vào ngày 5-12.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết, được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.
Tổng Bí thư mong muốn người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước thì chắc chắn sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển.
Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.
Cơ hội khi có nhà máy điện - bài học từ Bình Thuận
Những ngày này, con đường chính nối từ quốc lộ 1 vào các thôn Vĩnh Phúc và Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang tất bật nâng cấp.
Vào các giờ cao điểm, tan tầm luôn tấp nập công nhân từ các nhà máy thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân qua lại. Những hàng quán ăn uống, dịch vụ khách sạn, nhà trọ mọc lên đông đúc từ khi có các nhà máy nhiệt điện này.
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hiện có 4 nhà máy đang hoạt động ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vì vậy đây là xã chịu tác động trực tiếp về mọi mặt cả về môi trường lẫn phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân Nguyễn Thanh Long cho hay trước khi có các nhà máy nhiệt điện, cuộc sống người dân ở xã phụ thuộc chính vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đi biển. Lúc đó vất vả lắm vì thời tiết khắc nghiệt. Bây giờ các nghề này vẫn còn nhưng giảm dần.
Nhiều con em của xã được hỗ trợ học tập rồi vào nhà máy làm việc, kinh tế ổn định hơn. Ngoài ra, bà con ở xã cũng chuyển đổi sang làm dịch vụ, buôn bán, mở nhà trọ... để phục vụ người làm việc tại các công trình nhà máy.
Theo ông Long, diện mạo của xã thay đổi rõ nhất là hạ tầng đường sá, trường học, trạm y tế...
"Khi các nhà máy đi vào hoạt động, tỉnh có thêm nguồn thu chủ lực và ổn định hơn. Từ đó "thong thả" phân bổ đến địa phương để phát triển hạ tầng, sửa sang trường học. Hiện nay ở xã đang tập trung nâng cấp mở rộng hai tuyến đường vào xóm Bảy, Hầm Đá để phục vụ người dân sống cạnh trung tâm nhiệt điện" - ông Long nói tiếp.
Nhờ kết quả này, ông Long cho biết năm 2020 xã Vĩnh Tân đạt được tiêu chí nông thôn mới.
Tương tự, ông Võ Đức Thuấn - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong - cho biết trong tổng số hơn 1.400 lao động đang làm việc trong các nhà máy hiện nay, có khoảng 40% là lao động địa phương này.
"Kinh tế của huyện chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp cũng ảnh hưởng lớn từ 40% lao động vào các nhà máy nhiệt điện làm việc", ông Thuấn phân tích.
Theo ông Thuấn, kể từ khi có nhà máy, ngoài việc con em có việc làm ổn định, nhiều người dân ở địa phương cũng chuyển đổi thêm qua ngành nghề dịch vụ để hưởng lợi, từ đó thu nhập ổn định và tăng cao hơn.
Ông Phan Ngọc Cẩm Thành - phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 - cho biết từ khi đưa vào vận hành 6 năm trước, nhà máy đã đóng cho ngân sách hơn 4.000 tỉ đồng, riêng năm 2024 hơn 700 tỉ đồng.
Hiện nhà máy có gần 140 lao động nước ngoài và khoảng 600 lao động trong nước (con em địa phương chiếm 75% số lao động trong nước).
Cũng theo vị đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, phần lớn lao động làm việc tại đây là người Bình Thuận và Ninh Thuận.
Ông Võ Đức Thuấn cho biết thêm ngoài hoạt động sản xuất điện, các nhà máy tại trung tâm còn đồng hành cùng địa phương trong các chương trình phúc lợi xã hội, đóng góp vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng đường giao thông.