Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới

Admin

Việt Nam đã chinh phục thành công thị trường khó tính nhất thế giới, nắm trong tay "át chủ bài" trong top 5 toàn cầu.

"Chiến binh" top đầu ASEAN mang về 47 tỷ USD/năm

Theo "Báo cáo phân tích thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam – Cơ hội và Dự báo giai đoạn 2024-2031" do công ty nghiên cứu thị trường GMI Research (trụ sở tại Ireland) mới phát hành, thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm tới.

Thống kê của Bộ Xây dựng vào tháng 6/2024 cho biết, tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11% GDP quốc gia).

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng tự chủ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, với tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng, với chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đáng lưu ý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường và trình độ công nghệ của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đang đứng trong top đầu các nước ASEAN.

Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới- Ảnh 1.

Việt Nam đang đạt những bước tiến về sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng. (Ảnh: IT)

Năng lực sản xuất một số loại sản phẩm vật liệu xây dựng quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển.

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bềng vững" tháng 10/2024, TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp...

"Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế" – Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp nhấn mạnh.

Theo website cung cấp dữ liệu thống kê và nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường vật liệu xây dựng và phần cứng của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trường hàng năm đạt 2,57% trong giai đoạn 2024-2028.

Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới- Ảnh 2.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu gạch ốp lát chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh: Báo xây dựng)

"Ngôi sao" chiếm lĩnh thị trường Mỹ: Thắng lợi liên tiếp

Trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, phải kể tới ngành gạch ốp lát. Sự cạnh tranh khốc liệt ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu đang thúc đẩy các nhà sản xuất tại Việt Nam cải tiến quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý và gây ấn tượng với quốc tế. Trong số này phải kể tới Tổng công ty Viglacera với một trong những dự án tiêu biểu là cung cấp sản phẩm gạch ốp lát cho công trình Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Capitol Hill).

Trong bài viết đăng ngày hôm nay 5/2, VTV News dẫn lời ông Rod Applegate - Chủ tịch Công ty Tower Engineering (Mỹ) cho biết, để cung cấp gạch cho dự án tòa nhà quốc hội Mỹ, công ty này đã tìm kiếm nhiều nhà cung cấp khác nhau trên toàn thế giới.

"Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, môi trường" – Ông Applegate nhấn mạnh.

Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới- Ảnh 3.

Viglacera ký hợp đồng xuất khẩu gạch ốp lát sang thị trường Mỹ tháng 1/2020. Ảnh: Viglacera

Theo ông Mai Xuân Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera - sản phẩm gạch ốp lát của Viglacera đã được lựa chọn để thi công tháp giải nhiệt nước cho hệ thống điều hòa của Tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Những lô gạch ốp lát đầu tiên dành cho công trình này đã được Viglacera xuất khẩu sang Mỹ vào cuối năm 2019. Đây được xem là một thắng lợi lớn do Mỹ nổi tiếng là thị trường "khó tính" nhất thế giới. 

Tới ngày 17/1/2020, Viglacera tiếp tục ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu gạch ốp lát trị giá 3 triệu USD sang thị trường Mỹ. Theo đại diện Modern Decor (Mỹ) – đơn vị đã có 25 năm kinh nghiệm trong nhập khẩu vật liệu xây dựng, sản phẩm gạch ốp lát của Viglacera có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường Mỹ.

Sau khi tham quan các nhà máy sản xuất của Viglacera, đại diện Modern Decor đã cam kết sẽ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn trong thời gian 3 năm (2020-2022).

Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới- Ảnh 4.

Gian hàng của Viglacera tại Triển lãm quốc tế TISE 2019. Ảnh: Viglacera

Đáng lưu ý, bước đệm để Viglacera tiến vào thị trường Mỹ là Triển lãm quốc tế TISE thường niên tổ chức tại Las Vegas – một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành gạch ốp lát và đá tự nhiên tại thị trường Bắc Mỹ.

Đây là triển lãm thu hút hàng loạt công ty sản xuất, phân phối vật liệu xây dựng, cũng như như công ty thiết kế, đơn vị thi công đến khảo sát, nghiên cứu xu hướng phát triển thị trường gạch ốp lát.

Sau thời gian dài khảo sát thị trường, định vị sản phẩm cho từng phân khúc riêng biệt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera đã trở thành "thương hiệu duy nhất đến từ Việt Nam" mang sản phẩm công nghệ mới nhất tới giới thiệu và trưng bày tại triển lãm TISE 2019.

Đối với gạch ốp lát, thị trường Mỹ ưa chuộng sử dụng gạch có kích thước 15x60cm, 15x90cm, 45x90cm, 60x120cm, họa tiết theo xu hướng vân gỗ, tông màu trầm, phong phú và màu đá. Vì vậy, khi mang những sản phẩm này tới triển lãm, gian hàng của Viglacera đã nhận được sự quan tâm đáng kể của khách hàng và các đối tác tiềm năng tại Mỹ.

Bên cạnh đó, gạch Viglacera có độ hút nước "gần như bằng không", ưu việt hơn hẳn so với những dòng sản phẩm khác trên thị trường.

Một lợi thế lớn nữa cho Viglacera là công ty này đi đầu trong việc phát triển thị trường Mỹ Latinh. Ngay từ năm 2018, Viglacera đã đầu tư liên doanh nhà máy sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh tại Cuba, cho phép việc cung cấp hàng hóa tại Caribe và châu Mỹ trở nên thuận tiện hơn.

Theo Viglacera, việc mở rộng thị trường tại Mỹ là bước đi quan trọng, định hướng phát triển xuất khẩu của công ty này trong giai đoạn 2019-2020, từ đó cho phép thương hiệu "Made in Vietnam" khẳng định tên tuổi và vị thế trên thị trường thế giới.

Sản phẩm "Made in Vietnam" trong tòa Quốc hội Mỹ: Việt Nam thắng đậm, tiến vào top 5 thế giới- Ảnh 5.

Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thành thị trường lớn nhất cho sản phẩm gốm sứ và gạch ốp lát của Việt Nam. Ảnh: Vietdata

Theo công ty quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa toàn cầu Trans Pacific Global Group tháng 7/2024, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thành thị trường lớn nhất cho sản phẩm gốm sứ và gạch ốp lát của Việt Nam, khi chiếm 25,5% thị phần với kim ngạch gần 81 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng lưu ý, ngoài sản xuất vật liệu xây dựng, lĩnh vực bất động sản do Viglacera khởi động vào năm 1998 đến nay đã có những gặt hái đáng kể. Sở hữu 15 khu công nghiệp trong và ngoài nước với diện tích hơn 4.000 ha, Viglacera đã thu hút đầu tư lên tới 18 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 70%.

Tổng tài sản của Tổng Công ty Viglacera tại thời điểm cuối quý 2/2024 đã đạt 23.641 tỷ đồng.

Theo báo cáo "Phân tích quy mô thị phần gạch ốp lát Việt Nam – dự báo xu hướng tăng trưởng 2024-2029" của công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (trụ sở tại Ấn Độ), với những thành tích đã đạt được, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong danh sách các nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và là một trong những nước dẫn đầu Châu Á về sản xuất gạch ốp lát.

Dự báo tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Modor Intelligence, sản xuất gạch ốp lát đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, đồng thời trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể, dự kiến ​​sẽ mở rộng đều đặn, đạt quy mô thị trường 3,91 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép 4,52% trong giai đoạn 2024-2029.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy xu hướng tăng này, bao gồm tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, thu nhập khả dụng tăng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Ví dụ, sản phẩm của Viglacera đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và đã được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Anh, các nước châu Âu với kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD.

"Sự tăng trưởng ổn định của ngành, cùng với những tiến bộ công nghệ và đầu tư nước ngoài đã đưa Việt Nam trở thành một đối thủ cạnh tranh trên thị trường gốm sứ và gạch ốp lát toàn cầu" – Modor Intelligence nhận định.