Quốc gia đầu tiên trên thế giới lên kế hoạch sử dụng AI soạn thảo luật, tốc độ nhanh hơn 70% thông thường

Admin

Quốc gia vùng Vịnh kỳ vọng kế hoạch này sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng luật nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về "độ tin cậy" của AI.

Quốc gia đầu tiên trên thế giới lên kế hoạch sử dụng AI soạn thảo luật, tốc độ nhanh hơn 70% thông thường- Ảnh 1.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang lên kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ xây dựng luật mới và rà soát, chỉnh sửa hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo truyền thông UAE, kế hoạch này là một cách tiếp cận tham vọng chưa từng có trên thế giới, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu AI. Trong khi nhiều quốc gia khác đang ứng dụng AI để tóm tắt dự thảo luật hay cải thiện dịch vụ công, UAE hướng đến việc để AI trực tiếp đề xuất thay đổi luật hiện hành dựa trên dữ liệu pháp lý và hành chính.

“Chúng tôi sẽ thay đổi cách xây dựng luật pháp – nhanh hơn, chính xác hơn – nhờ hệ thống lập pháp mới sử dụng AI”, Quốc vương Dubai kiêm Phó Tổng thống UAE Sheikh Mohammad bin Rashid Al Maktoum phát biểu.

Tuần trước, nội các UAE đã phê duyệt việc thành lập đơn vị mới phụ trách triển khai kế hoạch AI trong lĩnh vực lập pháp.

Giáo sư Rony Medaglia (Trường Kinh doanh Copenhagen) nhận định UAE đang thể hiện tham vọng táo bạo: biến AI thành một “nhà lập pháp”.

Abu Dhabi đã đặt cược lớn vào AI với việc thành lập quỹ đầu tư MGX năm ngoái. MGX đã rót vốn vào quỹ hạ tầng AI trị giá 30 tỷ USD của BlackRock và bổ nhiệm một cố vấn về AI vào hội đồng quản trị.

Chính phủ UAE đặt mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn bao gồm luật liên bang và địa phương, cùng dữ liệu công như phán quyết tòa án và dịch vụ hành chính, để AI phân tích tác động của pháp luật đến xã hội và nền kinh tế.

AI sẽ thường xuyên đề xuất cập nhật luật pháp, giúp quá trình xây dựng luật nhanh hơn tới 70%, theo biên bản cuộc họp nội các.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro tiềm ẩn, từ sự thiếu minh bạch trong quá trình xử lý của AI và liệu AI có thể hiểu và áp dụng luật pháp như con người hay không.

“Các mô hình AI hiện nay vẫn còn sai sót, thiếu ổn định và dễ tạo ra kết quả ảo”, nhà nghiên cứu Vincent Straub (Đại học Oxford) cảnh báo. “Chúng ta chưa thể đặt niềm tin hoàn toàn”.

Điểm đặc biệt trong kế hoạch của UAE là AI không chỉ hỗ trợ, mà còn dự đoán các thay đổi pháp luật cần thiết trong tương lai, từ đó có thể giúp tiết kiệm chi phí khi so với việc thuê các hãng luật rà soát luật pháp.

“UAE đang tiến thêm một bước, từ vai trò là công cụ hỗ trợ sang dự đoán và định hình pháp lý”, Straub nhận xét.

Theo giảng viên Keegan McBride (Viện Internet Oxford), mô hình chính quyền tập trung giúp UAE dễ dàng số hóa bộ máy hơn so với các nền dân chủ. “Họ có thể triển khai nhanh và chấp nhận thử nghiệm.”

McBride cho biết, hiện có nhiều chính phủ đang thử ứng dụng AI vào các khâu nhỏ trong quy trình lập pháp, nhưng chưa quốc gia nào triển khai kế hoạch quy mô như UAE.

Hiện chưa rõ UAE sẽ sử dụng hệ thống AI nào. Các chuyên gia cho rằng có thể cần tích hợp nhiều mô hình khác nhau. Tuy nhiên, việc thiết lập cơ chế kiểm soát và giám sát của con người là điều bắt buộc.

Tham khảo: FT