Quan hệ Nga - Mỹ tưởng chừng ‘tan băng’ nhưng vẫn ẩn chứa nhiều biến động

Admin

Bất chấp sự xuất hiện một số tín hiệu tích cực, mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn là một vấn đề đầy biến động.

Ông Trump bắt tay ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6/2019. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ông Trump bắt tay ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6/2019. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tổng thống Trump "xoay trục" sang Nga

Chỉ hơn một tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump đã khiến cả thế giới sửng sốt khi thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách đối ngoại của Mỹ: xa rời Ukraine - đồng minh truyền thống mà Mỹ đã hậu thuẫn suốt hơn một thập kỷ qua.

Bằng loạt phát ngôn gây tranh cãi và các quyết định chính sách mang tính bước ngoặt, ông Trump dường như phá vỡ nền tảng đối ngoại đã được xây dựng từ sau Thế chiến thứ hai, vốn dựa trên việc kiềm chế Nga và duy trì trật tự an ninh xuyên Đại Tây Dương. Chính sách mới này không chỉ gây chấn động trong lòng nước Mỹ mà còn khiến các đồng minh châu Âu hoang mang và chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phương Tây.

Sự thay đổi rõ rệt nhất được thể hiện trong cuộc gặp căng thẳng giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Phòng Bầu dục vào ngày 28/2/2025. Trước truyền thông, ông Trump đã không ngần ngại chỉ trích ông Zelensky, cho rằng chính Ukraine mới là bên "khơi mào chiến tranh", chứ không phải Nga.

Không dừng lại ở lời nói, chính quyền Trump ngay sau đó đã triển khai một loạt quyết định gây tranh cãi nhằm giảm áp lực lên Nga: Tạm dừng các gói viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine để "xem xét lại chính sách"; Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi giải tán các chương trình truy quét tài sản giới tài phiệt Nga, chấm dứt di sản từ thời cựu Tổng thống Biden…

Quan hệ Nga - Mỹ tưởng chừng ‘tan băng’ nhưng vẫn ẩn chứa nhiều biến động- Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp tại Nhà trắng ở Washington, D.C., ngày 8/7/2025. 

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội từ đảng Dân chủ và một bộ phận đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump khẳng định ông không "bênh Nga" mà chỉ đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu. "Tôi không đứng về phía ông Putin. Tôi đứng về phía Hoa Kỳ", ông Trump khẳng định. "Tôi muốn kết thúc chuyện này vì lợi ích của thế giới".

Truyền thông Nga khi ấy nhanh chóng ca ngợi ông Trump. Ngoại trưởng Sergey Lavrov gọi Tổng thống Trump là "người thực dụng hành xử với lý trí". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói phương Tây đang "dần mất đi sự thống nhất", cho thấy Moscow đang kỳ vọng vào sự thay đổi cán cân địa chính trị toàn cầu.

Chính sách "xoay trục sang Nga" của ông Trump được ví như một cú sốc địa chính trị, khi Mỹ - trụ cột an ninh của NATO và hậu thuẫn lớn nhất cho Ukraine - bất ngờ có động thái rút lui khỏi vai trò truyền thống". Nó cũng đánh dấu sự đứt gãy trong đồng thuận lưỡng đảng về cách ứng xử với Nga - điều hiếm hoi tồn tại trong chính trường Mỹ đầy chia rẽ.

Dù không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên muốn cải thiện quan hệ với Moscow, bởi ông Obama và bà Clinton từng khởi động chính sách "tái thiết lập" quan hệ vào năm 2009 - nhưng ông Trump là người đi xa nhất khi trực tiếp "xoay trục" chiến lược sang phía người đồng cấp Nga Putin giữa lúc chiến sự vẫn còn diễn ra ác liệt ở Ukraine.

Trong bối cảnh dư luận Mỹ ngày càng chia rẽ, một câu hỏi lớn đang đặt ra: Liệu nước Mỹ có đang quay lưng với trật tự quốc tế hậu Thế chiến II mà chính họ từng thiết lập? Và nếu câu trả lời là có, ai sẽ là người thay thế vị trí dẫn dắt toàn cầu?

Khúc ngoặt bất ngờ trong mối quan hệ Mỹ - Nga

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Donald Trump, người từng được coi là "người bạn chính trị" của Tổng thống Nga Vladimir Putin, giờ đây đang công khai chỉ trích Điện Kremlin. Sự chuyển hướng bất ngờ này không chỉ đặt dấu chấm hết cho hy vọng tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga mà còn làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ leo thang căng thẳng mới giữa hai siêu cường hạt nhân.

Trong tuyên bố gây chấn động tuần qua, ông Trump đã chỉ trích công khai, khép lại quãng thời gian dài ông công khai ngợi ca "sự thông minh và mạnh mẽ" của nhà lãnh đạo Nga. Trước đó, ông Trump từng nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, ngay cả khi các điều kiện được cho là quá ưu ái với Moscow. Tuy nhiên, mọi đề xuất của ông đều bị phía Nga từ chối thẳng thừng.

Tại cuộc họp nội các diễn ra tại Nhà Trắng ngày 8/7 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump không giấu được sự giận dữ khi nhắc đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông tuyên bố: "Tôi không hài lòng với ông Putin. Tôi nói thẳng điều đó ngay bây giờ, bởi số binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng là quá nhiều. Chúng tôi chỉ nhận được toàn những lời nói suông từ ông ấy. Ông ta luôn tỏ ra thân thiện, nhưng rốt cuộc tất cả chỉ là vô nghĩa".

Quan hệ Nga - Mỹ tưởng chừng ‘tan băng’ nhưng vẫn ẩn chứa nhiều biến động- Ảnh 3.

(Ảnh: SOPA/Alamy Stock Photo)

Trong một tuyên bố với NBC News, ông Trump xác nhận đã đạt được thỏa thuận thông qua NATO để cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine - vũ khí tối quan trọng nhằm bảo vệ dân thường trước các đợt không kích của Nga. Tuy nhiên, theo lời ông, "Mỹ gửi vũ khí cho NATO, và NATO trả tiền, rồi phân phối lại cho Ukraine" - một cách tiếp cận nhằm giảm áp lực ngân sách quốc gia trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ về vấn đề viện trợ cho Kiev.

Tuy vậy, không rõ cam kết này sẽ kéo dài bao lâu, bởi giới quan sát vẫn hoài nghi liệu sự thay đổi thái độ của ông Trump là xuất phát từ chiến lược thực sự, hay chỉ là phản ứng nhất thời do bị ông Putin "làm mất mặt".

Giới chuyên gia cho rằng, từ góc nhìn phương Tây, Tổng thống Putin đã bỏ lỡ cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình hậu thuẫn bởi Mỹ, trong đó Ukraine sẽ không được gia nhập NATO và một phần lãnh thổ bị chiếm đóng của Nga có thể được giữ lại.

Tương lai khó đoán định

Cả ông Trump và ông Putin đều là những nhân vật mang phong cách "alpha" - quyết liệt và không dễ lùi bước. Một chuỗi phản ứng "ăn miếng trả miếng" giữa Nga - Mỹ có thể đẩy thế giới vào tình huống nguy hiểm, nhất là khi cả hai đều nắm quyền kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh.

Ông Putin từng nhiều lần dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như cách "rung cây dọa khỉ" với phương Tây. Với ông Trump - người không ít lần bày tỏ nỗi sợ về hậu quả tận thế từ chiến tranh hạt nhân - cho rằng đây có thể là đòn tâm lý mà Nga sẽ tận dụng triệt để nếu căng thẳng gia tăng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm 2025 vào tháng 6 vừa qua, ông Trump từng phàn nàn về việc Nga không được mời tham dự - dấu hiệu cho thấy ông vẫn mong muốn giữ cánh cửa đối thoại mở với ông Putin. Một số phân tích thậm chí cho rằng, mối quan hệ lạnh nhạt hiện nay có thể chỉ là "ngắt quãng tạm thời", chứ chưa phải đoạn tuyệt.

Tuy nhiên, cuộc gặp mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 hé lộ một khả năng mới: Nga có thể đang cân nhắc nhượng bộ mang tính biểu tượng để "kéo" ông Trump quay lại đối thoại.

Quan hệ Nga - Mỹ tưởng chừng ‘tan băng’ nhưng vẫn ẩn chứa nhiều biến động- Ảnh 4.

Nga triển khai đợt không kích vào Ukraine với hơn 700 máy bay không người lái, tháng 7/2025. (Ảnh: AP)

Quan hệ giữa Moscow và Washington được nhìn nhận là tiếp tục dao động bất định, phần lớn bắt nguồn từ sự khác biệt sâu sắc trong triết lý đối ngoại mà hai bên theo đuổi. Về phía Nga, Điện Kremlin theo đuổi một cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống trong các vấn đề quốc tế. Với Moscow, bình thường hóa quan hệ giữa các cường quốc chỉ có thể đạt được nếu tiến trình này diễn ra đồng thời trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, ngoại giao và nhân đạo. Nga tin rằng nếu thiếu sự đồng bộ giữa các lĩnh vực đó, mọi nỗ lực cải thiện quan hệ sẽ chỉ mang tính hình thức và không thể dẫn đến kết quả thực chất, dù phương pháp này đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian dài.

Trái lại, chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump lại mang tính thực dụng và ngắn hạn hơn. Ông ưu tiên các thỏa thuận có thể mang lại lợi ích rõ ràng trong thời gian ngắn với từng đối tác, từ các đồng minh NATO cho đến Trung Quốc, Iran hay Mexico. Mỗi quốc gia đều có "danh sách việc cần làm": Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, Trung Quốc chấp nhận các mức thuế do Mỹ áp đặt, còn các nước châu Âu trong NATO phải gia tăng ngân sách quốc phòng. Ông Trump không đặt nặng các tiến trình dài hạn mà tập trung vào các kết quả có thể nhanh chóng trình bày với cử tri như một thắng lợi.

Trong trường hợp của Nga, Nhà Trắng hiện chỉ nhắm tới một mục tiêu then chốt: chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tổng thống Trump dường như không quan tâm nhiều đến các yếu tố cấu thành một thỏa thuận chính trị bền vững hay tương lai cấu trúc an ninh châu Âu. Điều ông cần là một lệnh ngừng bắn tức thì để có thể tuyên bố mình đạt được điều mà người tiền nhiệm Joe Biden không làm được - kết thúc chiến tranh Ukraine.

Báo Izvestia của Nga nhận định rằng, trong toàn bộ chính trường Mỹ, Tổng thống Trump là một trong số rất ít người sẵn sàng nối lại đối thoại thực chất với Nga. Ngược lại, phần lớn giới chức trong nội các của ông vẫn nhìn nhận Moscow như một đối thủ hoặc ít nhất là một thế lực cần kiềm chế. Hơn thế nữa, xu hướng chống Nga đã ăn sâu trong chính sách đối ngoại của Washington suốt nhiều thập kỷ qua, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Mỹ hiện không có một lực lượng vận động chính trị hoặc nhóm lợi ích doanh nghiệp lớn nào tích cực thúc đẩy cải thiện quan hệ với Nga.