Thời gian qua, câu chuyện “tiếp quản” của Tập đoàn Thành Công (TC Group) tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank), tiền thân là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (đổi tên từ 28/12/2023) đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư chứng khoán.
Dù chưa có những chỉ dấu rõ ràng nhưng với sự tiếp quản của nhóm cổ đông lớn là tổ chức cũng như việc mới đây nhất, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã thông qua kế hoạch thuê địa điểm tại tầng 4, 5 và 6 của Tòa nhà Thành Công Tower, nằm ở ô đất P-D17 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tòa nhà này do Tập đoàn Thành Công (TC Group) sở hữu và cũng là trụ sở của nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái của TC Group đã giúp các nhà đầu tư cơ bản hình dung được mối liên hệ giữa TC Group và PG Bank.
Đáng chú ý, mối liên hệ này càng được thể hiện rõ nét khi theo cập nhật mới nhất tại Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của PG Bank cho thấy tại thời điểm 30/6/2024, Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã phát sinh giao dịch với tổng giá trị 671,99 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiện Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng là ông Đào Phong Trúc Đại. Đồng thời ông Đại hiện cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của PG Bank.
Thực tế cho thấy, mối liên hệ giữa Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và PG Bank không chỉ đến thời điểm 30/6/2024 mới xuất hiện mà trước đó, dữ liệu từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (NRAST) cho thấy từ tháng 9/2023, doanh nghiệp này đã thế chấp loạt tài sản tại dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Việt Hưng ở Quảng Ninh cho PG Bank.
Cụ thể, ngày 19/09/2023, thông qua hợp đồng số 141/09.23/HĐTC/PGBQN- CNVH, Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã thế chấp cho PG Bank Quảng Ninh tài sản bảo đảm là các quyền tài sản phát sinh thuộc “Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Việt Hưng” với giá trị khoản vay hoặc nghĩa vụ 15.447.305.457 đồng.
Về khu công nghiệp Việt Hưng, dẫn lại thông tin từ Báo Quảng Ninh, Tập đoàn Thành Công cho biết KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng thời kỳ 1996-2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg (ngày 6/8/1996) và được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Việt Hưng tại Quyết định số 2416/QĐ-UBND (ngày 17/8/2006), tổng diện tích quy hoạch 300,93ha, chia làm 2 giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1 có diện tích 179,76ha; giai đoạn 2 có diện tích 121,17ha).
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023), xác định KCN Việt Hưng là một trong 23 KCN trên địa bàn tỉnh, được định hướng phát triển thành KCN chuyên ngành theo hướng công nghiệp sạch công nghệ cao. Bám sát các quy hoạch, sau 17 năm triển khai đầu tư, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, TP Hạ Long, hết tháng 7/2023, Công ty CP Phát triển KCN Việt Hưng (chủ đầu tư) đã hoàn thành tổng thể hạ tầng kỹ thuật đối với khoảng 208,49/300,93ha, tương đương 70% diện tích dự án.
Riêng đối với giai đoạn 1, chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và đã thu hút được 11 dự án đầu tư thứ cấp, gồm 6 dự án FDI với nguồn vốn đăng ký 88,46 triệu USD và 5 dự án trong nước với nguồn vốn đăng ký 9.894 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.400 lao động. Giai đoạn 2 đang được chủ đầu tư tích cực triển khai đầu tư hạ tầng, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp theo quy định, trong đó có mục tiêu đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng và Trung tâm Dịch vụ – Hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng.
Theo chủ đầu tư KCN Việt Hưng, đây là 2 dự án có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của KCN, dẫn dắt và thu hút các dự án thứ cấp mang đến lợi ích tích cực cho KCN cũng như thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
2 dự án sẽ cùng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng của Công ty CP Tập đoàn Thành Công tạo dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô đồng bộ, hiện đại ở khu vực, với quy mô sản xuất 120.000 xe ô tô/năm.
Mới đây nhất, cũng dẫn theo Báo Quảng Ninh, TC Group cho biết sau 2 năm xây dựng, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (thuộc TC Group) đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
Cụ thể, hiện các hạng mục chính của nhà máy cơ bản hoàn thành, gồm: Hệ thống nhà xưởng hàn, sơn, lắp ráp, cơ điện và các công trình phụ trợ như trạm LPG, trạm khí nén, đường thử… Các phân khu chức năng kiểm soát chất lượng đã hoàn thiện chạy thử vào đầu tháng 5/2024.
Đối với các hạng mục thiết bị, đã thi công đạt trên 90% tổng khối lượng và sẽ hoàn thành vào tháng 10 tới đây để chuyển sang giai đoạn vận hành thử nghiệm và sẽ chính thức sản xuất những lô ô tô đầu tiên vào cuối năm 2024, cung cấp ra thị trường trong năm 2025.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu vận hành, nhà máy sẽ lắp ráp các phân khúc SUV và Sedan hạng B. Giai đoạn tiếp theo, sẽ mở rộng sang các dòng xe điện.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công (TC Group) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 36,5ha; công suất 120.000 xe/năm; thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công. Đây cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh.