Ông Trump liên tục đề xuất "phi hạt nhân hóa" với Nga và Trung Quốc: Quan điểm của Tổng thống Putin

Admin

Kênh Fox News (Mỹ) ngày 3/2 đưa tin, trong vòng một tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã hai lần đề xuất đàm phán "phi hạt nhân hóa" với các đối thủ của Mỹ.

Hai lần đề xuất đàm phán "phi hạt nhân hóa" trong một tháng

Kênh Fox News (Mỹ) ngày 3/2 đưa tin, trong vòng một tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã hai lần đề xuất đàm phán "phi hạt nhân hóa" với các đối thủ của Mỹ.

"Một khoản tiền khổng lồ đã được chi cho hạt nhân, và khả năng hủy diệt là điều mà chúng ta thậm chí không muốn nói đến ngày hôm nay, vì bạn không muốn nghe về nó", ông Trump phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 23/1.

"Tôi muốn xem liệu chúng ta có thể phi hạt nhân hóa hay không, và tôi nghĩ điều đó rất khả thi", ông Trump gợi ý về các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc về vấn đề này.

Ông Trump liên tục đề xuất "phi hạt nhân hóa" với Nga và Trung Quốc: Quan điểm của Tổng thống Putin- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 23/1 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: AFP

Fox News nhận định, một ý tưởng như vậy có thể cho thấy “sự tan băng” trong quan hệ của Mỹ với hai đối thủ toàn cầu, nhưng đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có tin tưởng các quốc gia này sẽ thực hiện đúng thỏa thuận hay không.

Năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ, lấy lý do Washington ủng hộ Ukraine.

Còn Trung Quốc chưa bao giờ tham gia đàm phán với Mỹ về việc cắt giảm vũ khí.

Vào ngày 22/1/2025, Tổng thống Trump nhắc lại với người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News rằng ông đã gần đạt được thỏa thuận "phi hạt nhân hóa" với Nga trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

"Tôi đã đàm phán với [Tổng thống] Putin về việc phi hạt nhân hóa giữa Nga và Mỹ. Và sau đó chúng tôi sẽ đưa Trung Quốc tham gia vấn đề đó. Tôi đã tiến tới rất gần với việc đạt được thỏa thuận", ông Trump nói.

Nga từng bác bỏ đề xuất của Mỹ

Theo Fox News, vào tháng 1/2024, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc nối lại đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân, nói rằng điều đó là không thể trong khi Washington vẫn cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga vào ngày 20/1/2025, Tổng thống Putin đã nói rằng: "Chúng tôi thấy những tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử [Mỹ] về mong muốn khôi phục các mối quan hệ trực tiếp với Nga. Chúng tôi cũng nghe tuyên bố của ông về sự cần thiết phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn Thế chiến thứ III. Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh thái độ này."

Tại buổi họp báo hôm 15/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết: "Việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân là một lựa chọn lịch sử buộc phải đưa ra. Là một quốc gia lớn có trách nhiệm, Trung Quốc cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình và hợp tác hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới."

Ông Trump liên tục đề xuất "phi hạt nhân hóa" với Nga và Trung Quốc: Quan điểm của Tổng thống Putin- Ảnh 2.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng Trung Quốc sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với con số ước tính hiện tại là 600 đầu đạn. Ảnh: Global Times

Chương trình hạt nhân của Mỹ rất tốn kém và lỗi thời

Các chuyên gia lập luận rằng Nga có thể sẽ sử dụng đòn bẩy về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân nhằm khiến Mỹ đồng ý với các điều khoản có lợi cho Moscow để chấm dứt xung đột với Ukraine.

"Người Nga là những nhà đàm phán “ưu tiên bản thân”, chuyên gia John Erath tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí (Mỹ) cho biết.

"Việc treo lơ lửng vấn đề kiểm soát vũ khí, mà họ coi là điều chúng ta [Mỹ] muốn, trước mặt chúng ta [Mỹ] và nói rằng, 'À, nhân tiện, chúng ta [Nga và Mỹ] sẽ nói về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân'", Erath nói.

Theo Fox News, Tổng thống Trump đã bị chỉ trích trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vì gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để thảo luận về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và nỗ lực đó đã thất bại. Trước đó, vào năm 2017, ông Trump từng đe dọa sẽ trút "lửa và thịnh nộ" nếu Triều Tiên tiếp tục các cuộc thử hạt nhân.

"Tôi nghĩ ông ấy [Trump] rất nhạy cảm với những nguy cơ của chiến tranh hạt nhân và nhận ra rằng theo nhiều cách, chúng ta hiện đang tiến gần hơn đến việc đó so với nhiều thập kỷ trước", Giám đốc Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy (Mỹ) George Beebe cho biết.

Một điều mà hầu hết các chuyên gia đều đồng ý là chương trình hạt nhân của Mỹ rất tốn kém và lỗi thời. Với khoảng 3.700 đầu đạn trong kho vũ khí, Mỹ dự kiến sẽ chi 756 tỷ USD để lưu trữ và bảo dưỡng vũ khí hạt nhân của mình từ năm 2023 đến năm 2032.

"Tuy nhiên, bất kể có cắt giảm hay không, Chính quyền và Quốc hội Mỹ phải tiếp tục hiện đại hóa và đảm bảo độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân, đồng thời loại bỏ chi tiêu quá mức khi có thể", Phó giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân của tổ chức tư vấn Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) Andrea Stricker cho biết.