Ông Trump hạ thuế từ 49% xuống 36%: Phó Thủ tướng Campuchia nói "rất thành công"

Admin

Tổng thống Mỹ ban đầu đã vạch ra mức thuế 49% nếu Campuchia không đàm phán được với Washington. Vào ngày 8/7, ông đã hạ mức thuế xuống còn 36% và gia hạn đàm phán đến ngày 1/8.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin, khi công nhân ngành may mặc Campuchia nghỉ ngơi giữa những giờ làm việc vất vả trong các nhà máy ngột ngạt vào ngày 8/7, họ lo sợ cho tương lai việc làm của mình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 36%.

"Tôi mong Mỹ giảm thuế quan vì lợi ích của công nhân tại Campuchia", Im Sothearin – một nữ công nhân 38 tuổi - nói với AFP khi cô nghỉ ngơi giữa giờ làm việc tại một nhà máy đồ lót ở thủ đô Phnom Penh.

"Nếu họ [Mỹ] áp thuế quan cao, chỉ có công nhân là phải chịu thiệt", người mẹ có 3 con này cho biết. Cô chỉ kiếm được 300 USD/tháng.

"Các nhà máy có thể đóng cửa hoặc công nhân sẽ bị giảm lương hoặc buộc phải làm việc nhanh hơn", cô nói.

Theo AFP, Campuchia - một nhà sản xuất quần áo giá rẻ với quy mô lớn cho các thương hiệu phương Tây - là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đòn đe dọa áp thuế "Ngày giải phóng" của Tổng thống Trump hồi tháng 4.

Tổng thống Mỹ ban đầu đã vạch ra mức thuế 49% nếu Campuchia không đàm phán được với Washington. Vào ngày 8/7, ông đã hạ mức thuế xuống còn 36% và gia hạn đàm phán đến ngày 1/8.

Ông Trump hạ thuế từ 49% xuống 36%: Phó Thủ tướng Campuchia nói "rất thành công"- Ảnh 1.

Công nhân ngành may mặc Campuchia rời khỏi nhà máy của họ trong giờ nghỉ trưa tại Phnom Penh.

Mặc dù mức thuế mới của Mỹ đã thấp hơn con số gây sốc ban đầu, nhưng nó không làm giảm bớt nỗi lo tại Campuchia.

"Nếu mức thuế cao như vậy, các công ty sẽ không có tiền để trả", Sreymom - một nữ công nhân 28 tuổi đang mang thai - nói với AFP khi cô mua trái cây vào giờ nghỉ trưa.

"Tôi lo rằng chúng tôi sẽ không có việc làm", người đã có 11 năm làm việc tại nhà máy cho biết. "Tôi kỳ vọng mức thuế sẽ giảm nhiều hơn nữa."

Đàm phán thuế "rất thành công"

Tờ Khmer Times đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol - trưởng đoàn đàm phán của Campuchia trong các cuộc đàm phán với Washington - vào ngày 8/7 cho biết Campuchia đã đàm phán thành công mức giảm thuế quan đối ứng lớn nhất trong số 14 quốc gia nằm trong mục tiêu của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo về quyết định áp thuế của Mỹ, Phó Thủ tướng Chanthol cho biết thuế xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ sẽ giảm 13%, từ 49% xuống 36%, có hiệu lực từ ngày 1/8.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã rất thành công trong việc đàm phán mức thuế này với Mỹ và thành tựu này là kết quả của các cuộc đàm phán thiện chí, như Thủ tướng [Campuchia] Hun Manet đã nhấn mạnh”, ông Chanthol nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh rằng quyết định này vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng vì một lá thư từ Tổng thống Mỹ Trump đã "để ngỏ" khả năng thảo luận thêm trước khi mức thuế mới có hiệu lực.

“Nhóm của chúng tôi sẵn sàng hợp tác sâu hơn với Mỹ để tìm kiếm mức giảm thêm đối với mức thuế quan đối ứng”, ông Chanthol cho biết. “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là mức thuế quan này vẫn chưa được hoàn thiện, chúng tôi vẫn còn cơ hội đàm phán.”

Phó Thủ tướng Chanthol cũng kêu gọi các công ty đang vận hành nhà máy tại Campuchia giữ bình tĩnh vì chính phủ Campuchia cam kết bảo vệ người sử dụng lao động, người lao động và lợi ích của người dân Campuchia.

“Chính phủ [Campuchia] sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ lợi ích kinh tế của chúng tôi,” ông khẳng định.

Ông Trump hạ thuế từ 49% xuống 36%: Phó Thủ tướng Campuchia nói "rất thành công"- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo về quyết định áp thuế của Mỹ vào ngày 8/7 tại Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times

Theo AFP, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD sang Mỹ vào năm ngoái, chủ yếu là các sản phẩm may mặc. Quốc gia này đang trả mức thuế chờ 10% khi các nhà đàm phán nỗ lực đạt được thỏa thuận.

Nhiều nhà máy ở Campuchia thuộc sở hữu của Trung Quốc. Nhà Trắng trước đó đã cáo buộc vương quốc này cho phép hàng hóa Trung Quốc quá cảnh trên đường đến thị trường Mỹ, do đó tránh được mức thuế cao hơn áp dụng cho Bắc Kinh.

Nữ công nhân Yi Mom đã có việc làm kéo dài hai thập kỷ trong ngành may mặc Campuchia. Nhưng bà lo lắng rằng việc làm này có thể kết thúc nếu Campuchia không làm dịu đi đòn thuế mà Mỹ đe dọa.

"Tôi lo rằng mức thuế quan cao sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy và sẽ dẫn đến ít việc làm hơn cho công nhân", người phụ nữ 47 tuổi này cho biết.

"Khi đó, chúng tôi sẽ có mức lương thấp và không thể nuôi sống gia đình", bà nói.

Theo AFP, Khmer Times