Ông Trump cho tinh gọn Bộ Ngoại giao Mỹ

Admin

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 đã ra lệnh cải tổ bộ máy ngoại giao của nước này, qua đó hạn chế mọi sự bất đồng đối với các chính sách của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ cải tổ Bộ Ngoại giao và việc quản lý quan hệ đối ngoại để đảm bảo thực hiện trung thành và hiệu quả chương trình nghị sự đối ngoại của Tổng thống. Việc không thực hiện trung thành chính sách của Tổng thống là lý do để áp dụng kỷ luật nghề nghiệp, bao gồm cả việc chấm dứt công việc.

Ông Trump cho tinh gọn Bộ Ngoại giao Mỹ- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Getty

Sắc lệnh cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao sửa đổi hoặc thay thế sổ tay ngoại giao và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc loại bỏ, sửa đổi hoặc thay thế bất kỳ hướng dẫn, thủ tục hay cẩm nang nào không phù hợp với chính sách của Tổng thống Trump.

Sắc lệnh này nhắm đến cả các nhà ngoại giao chuyên nghiệp lẫn hàng nghìn nhân viên dân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ, với 80.000 nhân sự trên toàn cầu.

Theo truyền thống, các công chức được kỳ vọng giữ thái độ trung lập về chính trị và thực thi chính sách của các quan chức được bầu chọn, bất kể niềm tin cá nhân của họ là gì. Tuy nhiên, việc đưa điều này vào một sắc lệnh hành pháp là điều hiếm thấy.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã đóng băng nhiều viện trợ nước ngoài của Mỹ và gần như giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Ngay sau sắc lệnh của Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho các đại sứ quán trên khắp thế giới bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm nhân sự ngay lập tức.

Các quan chức cấp cao tại các đại sứ quán được yêu cầu lập danh sách toàn bộ nhân viên, bao gồm thông tin về tình trạng việc làm của họ, áp dụng cho cả những người làm việc theo hợp đồng dài hạn, ngắn hạn và tạm thời. Lệnh cắt giảm này ảnh hưởng đến cả nhân viên người Mỹ lẫn nhân sự địa phương tại các đại sứ quán.

Động thái này chắc chắn sẽ thu hẹp sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại một số quốc gia, xem xét lại tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế và rút khỏi một số thỏa thuận ngoại giao. Chính quyền ông Trump có thể đối mặt với thách thức pháp lý liên quan đến sắc lệnh, nhưng luật pháp Mỹ trao quyền đáng kể cho Ngoại trưởng Mỹ trong việc quản lý nhân sự cơ quan này.

Trong hai tuần qua, nhiều nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại các đại sứ quán đã bị cho nghỉ hành chính, khiến một số đại sứ và trưởng phái đoàn khiếu nại rằng họ thiếu nhân sự cần thiết để giám sát các chương trình viện trợ vẫn đang hoạt động. Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã sa thải nhiều nhà thầu đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng tại đại sứ quán, bao gồm an ninh ngoại giao và đang xem xét cắt giảm thêm nhân sự.