Tờ Irish Star (Ireland) đưa tin, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới áp lên các quốc gia vào ngày 2/4 – như ông gọi là “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ - và lướt xuống danh sách, Tổng thống Trump dừng lại ở cái tên Campuchia và nói: "Ồ, hãy nhìn Campuchia, 97%, chúng ta sẽ giảm xuống còn 49%, họ đã kiếm được một khoản tiền lớn từ nước Mỹ."

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế đối ứng mới nhắm vào Campuchia là 49%. Ảnh: Irish Star
Nhiều người đã lên mạng xã hội để chia sẻ sự bối rối của họ và đặt câu hỏi Campuchia đã làm gì với nước Mỹ để phải chịu mức thuế quan cao từ Tổng thống Trump.
"Cái gì vậy? Campuchia đã làm gì?", một người dùng viết trên X.
"Campuchia 97%??? Họ đã làm gì", một người khác viết.
"Mỹ thực sự đã giao dịch với Campuchia bao nhiêu?", một người dùng X khác viết trên nền tảng này.
Những người khác đã lên X để bình luận về việc Tổng thống Trump đã áp mức thuế quan cao như vậy đối với Campuchia và đưa ra lý giải của họ về nguyên nhân tại sao ông Trump lại làm như vậy.
"Campuchia - thuế đối ứng 97% - 47%, đó là mức thuế cao nhất", một người dùng khác viết trên X.
"Tất cả là về áo len đan, Campuchia đã xuất khẩu áo len đan trị giá gần 1 tỷ USD sang Mỹ", một người khác viết trên X.
"Campuchia xuất khẩu 26 tỷ USD. 10 tỷ USD sang Mỹ. Ông Trump áp mức thuế 49% đối với họ [Campuchia]. Điều đó xóa sổ gần như 1/3 lượng hàng xuất khẩu của họ", một người dùng khác viết trên X.
Thuế quan của Mỹ có thể làm đa dạng hóa nguồn FDI tại Campuchia
Thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump có thể dẫn đến sự đa dạng hóa với nhiều FDI xuất hiện từ các nguồn không phải của Trung Quốc, Tiến sĩ Jayant Menon - thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore và từng là Nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á - nói với tờ Khmer Times (Campuchia).
Quan trọng hơn, ông Jayant cho biết trọng tâm của cuộc chiến thuế quan có khả năng chuyển từ “Sản xuất tại Trung Quốc” sang “Sản xuất bởi Trung Quốc”.
“Trước đây, các công ty Trung Quốc và nước ngoài khác đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các quốc gia Đông Nam Á để tránh thuế đối ứng tại Mỹ”, ông nói.
Theo chuyên gia Jayan, điều này đã mang lại lợi ích cho một số quốc gia trong khu vực, nhưng điều này có thể sớm kết thúc. Tổng thống Trump có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng bắt đầu từ các biện pháp gần đây do cựu Tổng thống Joe Biden công bố, nhắm vào quyền sở hữu và quốc tịch thay vì vị trí của các công ty, trong việc xác định ai sẽ bị phạt.
“Đây là sự thay đổi từ cái gọi là 'Sản xuất tại Trung Quốc' sang 'Sản xuất bởi Trung Quốc'. Nếu các biện pháp này tiếp tục hoặc gia tăng, thì chúng chủ yếu sẽ là tác động tiêu cực lan tỏa đến khu vực Đông Nam Á”, ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, điều này có thể dẫn đến nhiều FDI hơn từ các nguồn không phải của Trung Quốc. Điều này có thể làm đa dạng hóa các nguồn FDI tại Campuchia, giúp tăng khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia”.

Tiến sĩ Jayant Menon - thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore và từng là Nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ảnh: Khmer Times
Ông Jayan nhấn mạnh rằng vương quốc này phải đưa đa dạng hóa kinh tế trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mình.
“Một hạn chế chính ở Campuchia là việc thiếu đa dạng hóa nền kinh tế, điều này không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà chỉ ảnh hưởng đến tính bao trùm và tính bền vững của nền kinh tế”, Jayant nói.
“Giai đoạn đầu của quá trình đa dạng hóa kinh tế liên quan đến di cư nông thôn - thành thị từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có thể đang đạt đến giới hạn của nó”, ông nói thêm.
Tiến sĩ Jayant lưu ý rằng quá trình đa dạng hóa trong tương lai sẽ phải đến từ chuyên môn hóa trong từng ngành hoặc đa dạng hóa trong nhiều ngành. “Điều này liên quan đến sự chuyển dịch sang các sản phẩm và hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng Campuchia cần phải cải thiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh. “Đầu tiên là nguồn nhân lực hạn chế và sự không phù hợp về kỹ năng. Thứ hai là chi phí kinh doanh cao, hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân và đầu tư trong và ngoài nước.”