Nước BRICS "chặn cửa" ông Putin sau lệnh bắt của ICC - Moscow giáng đòn kép phá kế hoạch nhằm vào Nga

Admin

Trước đó, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin với những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine.

Nam Phi không mời ông Putin tới dự G20

Hãng thông tấn TASS ngày 15/12 dẫn lời Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Nam Phi, ông Vincent Magwenya, cho biết Nam Phi sẽ không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Johannesburg vào năm 2025.

Nguyên nhân là do lệnh bắt giữ Tổng thống Nga do ICC tại The Hague (Hà Lan) ban hành từ tháng 3/2023, với các lý do liên quan tới xung đột Ukraine. Nam Phi đã phê chuẩn Quy chế Rome – cơ sở nền tảng của ICC – và có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông dặt chân tới nước này.

"Tình hình pháp lý không thay đổi kể từ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg. Chúng tôi không thể tác động đến các quyết định của ICC theo bất cứ hình thức nào" – Ông Magwenya nhấn mạnh.

Nước BRICS "chặn cửa" ông Putin sau lệnh bắt của ICC - Moscow giáng đòn kép phá kế hoạch nhằm vào Nga- Ảnh 1.

Nam Phi tuyên bố không mời ông Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: TASS

G20 là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các lãnh đạo và Thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). Nam Phi đảm nhận chức chủ tịch của G20 từ ngày 1/12 và sẽ giữ cương vị này trong 12 tháng. Hội nghị thượng đỉnh G20 2025 dự kiến sẽ diễn ra tại Nam Phi từ ngày 21-22/11 năm sau.

Trước đó, vào tháng 10 năm nay, ông Putin đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 2024 diễn ra tại Brazil ngày 18-19/11. Song, ông nhấn mạnh rằng lệnh bắt giữ của ICC không phải lý do cho quyết định này.

Thay vào đó, Tổng thống Nga cho rằng sự hiện diện của ông sẽ thu hút mọi mối quan tâm và làm suy giảm sự chú ý tới các nghị trình của G20.

"Tôi có mối quan hệ rất thân thiết với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, nhưng tại sao tôi phải tới đó để gây gián đoạn hoạt động thông thường của diễn đàn này? Nếu tôi đến, những cuộc trao đổi sẽ chỉ xoay quanh chuyến đi của tôi. Tại sao tôi phải phá hỏng công việc của G20 chứ? Chúng tôi sẽ cử người thích hợp đại diện cho lợi ích của Nga" – Ông Putin nói.

Mặc dù cùng là thành viên của BRICS và ICC nhưng khác với Nam Phi, Brazil đã gửi thư mời tham dự G20 cho Tổng thống Putin. Tổng thống Brazil da Silva cũng khẳng định ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh của ICC nếu tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Sự bối rối của Nam Phi

Cuối tháng 10, văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phải lên tiếng làm rõ các bình luận mà ông đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga) vài ngày trước đó, nhấn mạnh rằng "Nam Phi không thiên vị Nga hơn Ukraine".

"Khi tuyên bố Tổng thống Putin và người dân Nga là 'những người bạn và đồng minh có giá trị', Tổng thống Ramaphosa không coi bất cứ quốc gia hoặc khối quốc gia cụ thể nào là thù địch" – Văn phòng của ông Ramaphosa nêu rõ. "Chính nhờ chính sách không liên kết mà Nam Phi đã có thể hợp tác xây dựng với cả Nga và Ukraine".

Nước BRICS "chặn cửa" ông Putin sau lệnh bắt của ICC - Moscow giáng đòn kép phá kế hoạch nhằm vào Nga- Ảnh 2.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Ông Ramaphosa đã đưa ra những bình luận ban đầu về việc trở thành đồng minh của Nga tại hội nghị thượng đỉnh BRICS do ông Putin chủ trì. Những bình luận của ông Ramaphosa đã dẫn đến sự chia rẽ trong chính quyền của ông với Liên minh Dân chủ (DA) – một đảng đối lập trước đây tại Nam Phi. DA tuyên bố rằng, họ không thể coi Nga hay ông Putin là đồng minh.

Một ngày sau tuyên bố của Văn phòng ông Ramaphosa, Ngoại trưởng Nam Phi Ronald Lamola đã tiếp đón người đồng cấp Ukraine Andriy Sybiga và tiến hành hội đàm về việc miễn thị thực cho các quan chức Nam Phi sang Ukraine.

"Điều này sẽ cho phép các quan chức Nam Phi đến Ukraine để tham dự các cuộc họp về công thức hòa bình mà không gặp trở ngại về mặt thị thực, nhấn mạnh cam kết của Nam Phi trong việc phát triển quan hệ ngoại giao với Ukraine" – Tuyên bố chung giữa 2 phía nêu rõ.

Nga giáng đòn kép chặn kế hoạch của ICC nhằm vào Moscow

Nga chưa đưa ra bình luận nào về quyết định của Nam Phi. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, Moscow đã liên tục có động thái nhằm vào ICC. Cơ quan nãy không chỉ phát lệnh truy nã Tổng thống Putin, mà còn có Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov và Thư ký Hội đồng An ninh – cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Hôm 11/12, tòa án ở Moscow đã phát lệnh bắt giữ thẩm phán của ICC Haykel Ben Mahfoudh.

Phán quyết này có nghĩa ông Mahfoudh sẽ bị giam giữ ngay lập tức nếu ông tới Nga hoặc bị quốc gia thứ ba dẫn độ. Nếu bị kết tội, ông Mahfoudh có nguy cơ phải ngồi tù tới 4 năm theo luật pháp Nga.

Nước BRICS "chặn cửa" ông Putin sau lệnh bắt của ICC - Moscow giáng đòn kép phá kế hoạch nhằm vào Nga- Ảnh 3.

Moscow vừa giáng đòn kép vào ICC. Ảnh: Newsweek

Cũng trong ngày 11/12, các đại biểu Duma Quốc gia Nga đã thông qua dự luật trong lần đọc đầu tiên, quy định hình phạt đối với các hoạt động điều tra do quan chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tiến hành trên lãnh thổ Nga.

Dự luật đưa điều khoản mới (294.1) vào Bộ luật hình sự, nhằm mục đích "bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền của Nga trong lĩnh vực pháp lý".

Mục ghi chú giải thích cho dự luật trích dẫn ICC và cơ quan thực thi pháp luật "của các quốc gia thù địch" với Nga là những tổ chức đang tiến hành thu thập bằng chứng về cái mà họ gọi là "tội ác chiến tranh của Nga".

Theo dự luật được Duma Quốc gia Nga thông qua, việc thu thập bằng chứng, thẩm vấn công dân và lấy mẫu từ họ để giám định chuyên môn là "hành động bất hợp pháp" nếu chúng được thực hiện mà không có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền từ Nga.

Đối với Nam Phi, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov từng tuyên bố vào tháng 4/2023 rằng Nga sẽ tìm cách làm rõ lập trường của Nam Phi về tư cách thành viên của họ tại ICC.

Trong năm 2023, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa từng nói chính phủ nước này sẽ cân nhắc rút khỏi ICC dựa trên quyết định của Đại hội Dân tộc châu Phi. Tuy nhiên, sau đó, văn phòng ông Ramaphosa ra thông báo phủ nhận tuyên bố.

Thời điểm đó, ông Peskov nói Nga là một thành viên quan trọng và có trách nhiệm trong BRICS nên "tất nhiên sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh [của nhóm BRICS] mà Nam Phi tổ chức".

Tới tháng 7 cùng năm, ông Ramaphosa bất ngờ tuyên bố "đã xin phép ICC không bắt ông Putin, vì hành động này có thể được xem như lời tuyên chiến".

Về phần mình, Điện Kremlin lên tiếng phủ nhận và khẳng định Nga không hề nói với Nam Phi rằng việc bắt Tổng thống Putin theo lệnh của ICC sẽ đồng nghĩa với chiến tranh. Ông Putin sau đó quyết định không tới Nam Phi dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, thay mặt ông là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.