Nóng: Volkswagen sẽ sa thải hơn 35.000 người, cắt giảm sản xuất 700.000 xe

Admin

Động thái dự sẽ giúp nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu tiết kiệm khoảng 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD) mỗi năm.

Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng, các đại diện Volkswagen và người lao động đã nhất trí về kế hoạch cắt giảm mạnh chi phí. Mục đích cuối cùng là giành lại được lợi thế tại thị trường châu Âu, trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm.

Cụ thể, tập đoàn này dự định cắt giảm hơn 35.000 nhân công ở Đức đến cuối năm 2030. Toàn bộ 10 nhà máy tại Đức sẽ duy trì hoạt động, thay vì đóng cửa như thông báo trước đó. Tuy nhiên, 2 nhà máy nhỏ hơn tại các thành phố Dresden và Osnabrueck sẽ dừng dây chuyền chế tạo ô tô.

Volkswagen chưa đóng cửa bất kỳ nhà máy nào kể từ khi chấm dứt hoạt động nhà máy Westmoreland ở Pennsylvania, Mỹ, vào năm 1988. Động thái phần nào cho thấy nhà sản xuất ô tô này ảnh hưởng nặng nề như thế nào do nhu cầu xe điện thấp đi. 

Ngoài ra, nằm trong kế hoạch tiết kiệm chi phí, hơn 700.000 xe sẽ bị cắt giảm sản xuất tại các nhà máy ở Đức. Nhân viên Volkswagen cũng sẽ không được tăng lương trực tiếp cho đến năm 2030, trong khi tiền thưởng giảm. Thỏa thuận dự sẽ giúp nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu tiết kiệm khoảng 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD) mỗi năm, trong đó, 1,5 tỷ euro đến từ sa thải và giảm lương.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi bắt đầu gặp vấn đề với khoản thế chấp”, một công nhân tên Littau than thở. “Đó là công việc đòi hỏi thể lực. Chúng tôi phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền”.

Trước đó, Giám đốc điều hành Volkswagen Thomas Schaefer đã nêu 3 ưu tiên trong quá trình đàm phán, bao gồm giảm công suất dư thừa tại các cơ sở ở Đức, giảm chi phí lao động và giảm chi phí phát triển xuống mức cạnh tranh. Cuộc thương lượng n theo kế hoạch ban đầu chỉ diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12, song cuối cùng kéo dài hơn dự kiến do nhiều bất đồng về quan điểm.

“Thỏa thuận với các công đoàn đang đưa chi phí phát triển và lao động xuống mức cạnh tranh”, ông Schaefer nói. “Đây là những quyết định khó khăn, song vô cùng quan trọng cho tương lai”.

Được biết kể từ khi đại dịch xảy ra, nhu cầu về ô tô ở châu Âu giảm khoảng 500.000 chiếc, như các nhà lãnh đạo Volkswagen đã nhiều lần chỉ ra. Con số đó tương đương với sản lượng của 2 trong số 10 nhà máy của Volkswagen tại Đức, theo Arno Antlitz, giám đốc tài chính của Volkswagen.

Helena Wisbert, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Ostfalia ở Wolfsburg, người trước đây từng làm việc cho công ty này, cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của VW kể từ đầu những năm 90”.

Được biết, Volkswagen là thương hiệu chủ lực của Tập đoàn Volkswagen, bao gồm cả Audi và Porsche. Lịch sử của công ty gắn liền với sức mạnh kinh tế và công nghiệp của đất nước sau Thế chiến II. Nền kinh tế địa phương của toàn bộ các vùng trên khắp đất nước cũng phụ thuộc vào Volkswagen, trong khi người lao động được trả lương cao ngất.

Theo The Economist, ngành công nghiệp xe hơi đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Đức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 48 trong tổng số 400 thành phố và quận của Đức đều phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô nếu xét tới số lượng việc làm.

Chính vì vậy, theo Wolfgang Schroeder, thành viên tại WZB, nếu ngành sản xuất ô tô tàn lụi, nước Đức sẽ phải đối mặt với “nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ ”. Các mối quan hệ công nghiệp nhìn chung cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

“Ô tô là biểu hiện lớn nhất của việc Đức tập trung hoàn toàn vào kỹ thuật cơ khí”, ông Rüdiger Bachmann nói, đồng thời cho biết một khi ngành công nghiệp xe hơi không còn giữ vị thế thống trị, trợ cấp chính phủ sẽ có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp. Ngày càng ít thanh niên Đức sẽ theo học kỹ thuật cơ khí và thay vào đó, họ chọn khoa học máy tính nhiều hơn.

Theo: Reuters, The Economist