Vừa là
Nông dân mong Thủ tướng 'vi hành' nông, lâm trường để thấy 'chuyện nhức nhối'
Đó là mong muốn của nông dân Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An (Long An), tại Hội nghị trực tuyến nông dân đối thoại với Thủ tướng ngày 31-12.
Ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An, bày tỏ kiến nghị với Thủ tướng trong buổi đối thoại - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Còn về đất nông nghiệp, nông dân Lê Mạnh Cường (tỉnh Phú Thọ) cho rằng đất phát triển du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu là đất trồng cây, đất rừng sản xuất. Trong khi phát triển du lịch nông nghiệp là xu thế mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người nông dân, đặc biệt là nông dân, thanh niên nông thôn.
Ông Cường mong Thủ tướng đồng hành cùng nông dân, tận dụng những thứ sẵn có của địa phương, phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao giá trị đời sống người nông dân ở nông thôn.
Làm sao có thể số hóa nhà nông?
Ngoài tâm tư trên, ông Huy còn kiến nghị về vấn đề khoa học công nghệ. Ông cho rằng đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân tiến vào kỷ nguyên vươn mình, nhưng làm sao có thể số hóa nhà nông?
Ông Huy nêu vấn đề: "Tôi cũng kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư mang tính chất dẫn dắt. Ví dụ hiện nay trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch".
Trả lời băn khoăn của ông Huy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3 trụ cột chính trong quá trình phát triển đất nước. Lần đầu tiên bộ 3 này đi chung trong 1 nghị quyết.
Ông Hùng giải thích "số hóa" nhà nông là tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra.
"Với ứng dụng này, bà con có thể chứng minh được quả cà chua tại vườn nhà mình có sự khác biệt, chất lượng, duy nhất như thế nào so với quả cà chua của nhà khác. Đặc biệt, nghị quyết dành tới 3% ngân sách nhà nước hằng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để bà con trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn. Ví dụ cần 10 việc thì phần mềm số có thể giải quyết được 7-8 việc", ông Hùng lý giải.
Làm sao để sản xuất lớn, nâng tầm nông sản
Đại diện cho nông dân, bà Vũ Thị Thương Huyền - giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An (Thái Nguyên) - cho hay thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc. Bởi hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể ở đây là hợp tác xã, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai.
Ông Nguyễn Xuân Thao, giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao (Sơn La), nêu thực tế là hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu nên giá trị chưa cao.
"Chẳng hạn như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được một phần, còn hai phần rơi vào các nhà rang say, chế biến và thương mại.
Vậy Chính phủ có giải pháp gì để "nâng tầm nông sản Việt", xây dựng thương hiệu nông sản lớn hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỉ USD trong tương lai không xa?".
Trong khi đó ông Trần Mạnh Báo, chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed, bày tỏ ấn tượng về hình ảnh Thủ tướng xuống đồng, lội ruộng, lái máy cày cùng người nông dân. Hình ảnh đó cho thấy sự đồng hành, quyết liệt của Thủ tướng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Tuy vậy, ông băn khoăn là làm gì để ngành nông nghiệp phát triển bền vững? Có cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khi thực tế đầu tư chưa đủ. Cùng đó là vấn đề quy hoạch, hạ tầng, liên kết, công nghệ...
Gỡ vướng tích tụ đất, thúc đẩy chế biến sâu
Giải đáp về chính sách đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay theo tinh thần nghị quyết số 18 của Trung ương, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai. Bao gồm ba hình thức chuyển đổi quyền sử dụng đất qua dồn điền đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Ngoài ra là việc bổ sung thêm hai phương thức là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Các nội dung này đã được ban hành tại nghị định hướng dẫn thi hành luật, có hiệu lực từ 1-8-2024.
Cùng đó, luật cũng quy định theo hướng mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa lên đến 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định. Với tổ chức kinh tế, không giới hạn việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, song phải có phương án sử dụng đất được phê duyệt.
Ông Duy khẳng định khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, rõ ràng, khắc phục được vướng mắc. Việc này nhằm tạo ra quỹ đất đủ lớn, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Dù vậy do đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng, nên địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về đất đai trong nông nghiệp, lựa chọn phương thức tích tụ đất đai cho phù hợp.
Cũng đồng tình với thực trạng ngành nông nghiệp như các nông dân trăn trở, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng muốn phát triển sản xuất nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu.
Để làm được cần nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có, với sự hỗ trợ của chính quyền. Đẩy mạnh xâu chuỗi, liên kết phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng...