"Nới lỏng" cho doanh nghiệp, ông Trump dừng thực thi luật cấm hối lộ nước ngoài

Admin

Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài quy định các công ty hoạt động tại Mỹ không được hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài.

Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài, quy định các công ty hoạt động tại Mỹ không được hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài nhằm giúp các thỏa thuận kinh doanh diễn ra thuận lợi. Mặc dù được ban hành vào năm 1977, nhưng các cơ quan liên bang đã thực thi luật này nghiêm ngặt hơn kể từ khoảng năm 2005, trong nỗ lực trấn áp nạn hối lộ, đặc biệt là ở những quốc gia hoành hành thói quen "cửa quan".

Ông Trump đã phản đối kịch liệt đạo luật này từ ngay nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, dẫn đến các cáo buộc và khoản tiền phạt khổng lồ đối với một số công ty lớn nhất thế giới. Vào tháng 11 năm ngoái, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Gautam Adani, ông trùm gốc Ấn, hối lộ các quan chức Ấn Độ và buộc tội ông gian lận trong kinh doanh. Công ty của ông này đã gọi những cáo buộc đó là "vô căn cứ".

Các công ty đã nộp tiền phạt theo đạo luật này bao gồm Tập đoàn kỹ Siemens và công ty viễn thông Thụy Điển Ericsson. Năm 2020, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đồng ý trả hơn 2,9 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc cho rằng nhân viên tại công ty con ở Malaysia đã hối lộ 1 tỷ USD cho các quan chức nước ngoài.

"Nới lỏng" cho doanh nghiệp, ông Trump dừng thực thi luật cấm hối lộ nước ngoài- Ảnh 1.

Năm ngoái, ông trùm Ấn Độ Gautam Adani đã bị các công tố viên Mỹ buộc tội theo Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài, cáo buộc ông hối lộ các quan chức Ấn Độ. Công ty của ông đã gọi những cáo buộc này là "vô căn cứ". (Ảnh: NYT)

Đạo luật đã bị "lạm dụng theo cách gây tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ", sắc lệnh hành pháp của ông Trump hôm 10/2 nêu rõ, đồng thời nói thêm rằng việc thực thi đạo luật đang cản trở các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Sắc lệnh này sẽ cấm các cơ quan liên bang thực hiện bất kỳ cuộc điều tra mới nào theo đạo luật hoặc thực thi các hành động mới trong vòng 180 ngày. Chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ xem xét các cuộc điều tra hiện có được tiến hành theo đạo luật, theo như tuyên bố, để "khôi phục lại các ranh giới thích hợp".

Sắc lệnh cũng chỉ đạo Tổng chưởng lý ban hành hướng dẫn mới về cách thực thi đạo luật "thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực thi pháp luật liên bang".

Việc thực thi đạo luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài đã được Mỹ thực thi trong hai thập kỷ qua, khi hoạt động kinh doanh ngày càng toàn cầu hóa. Năm ngoái, có khoảng 30 hành động bị cáo buộc vi phạm đạo luật này.

Ông Trump là một trong những người chỉ trích kịch liệt, cho rằng phạm vi của đạo luật đã khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi khi cạnh tranh ở nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2012, ông cho biết "thế giới đang cười nhạo chúng ta" vì việc thực thi nhiều đạo luật, và vào năm 2017, ông đã đề cử Jay Clayton, một luật sư từng bày tỏ sự hoài nghi về các chính sách chống hối lộ của Mỹ, để điều hành Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ SEC.

Ông Trump muốn bãi bỏ luật này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, theo cuốn sách "A Very Stable Genius" của hai phóng viên tờ Washington Post - Philip Rucker và Carol D. Leonnig, tiết lộ. Họ viết rằng, trong một cuộc họp báo năm 2017, ông Trump đã nói rằng đạo luật này "rất bất công" đối với các công ty Mỹ.