Nhật Bản đi đầu thế giới trong phát triển gan thu nhỏ từ tế bào iPS

Admin

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Osaka Nhật Bản đã trở thành nhóm đầu tiên trên thế giới tạo ra được gan thu nhỏ tinh vi từ tế bào gốc đa năng cảm ứng của con người (iPS).

Những lá gan tí hon này, được gọi là gan organoid (liver organoids), mỗi lá gan có kích thước khoảng 0,5 mm, có thể hoạt động tương đương như gan của trẻ sơ sinh. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng các organoid này có thể được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh gan giai đoạn cuối.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên ấn bản trực tuyến của tạp chí Nature của Anh vào ngày 17/4.

Gan là cơ quan có cấu trúc rất phức tạp, với từng vùng đảm nhiệm các chức năng riêng như tổng hợp, phân giải đường và chất béo, khiến việc tái tạo gan từ tế bào iPS trở nên vô cùng khó khăn.

Để tạo ra các cơ quan nội tạng này, nhóm nghiên cứu - gồm có Giáo sư Takanori Takebe thuộc Trường cao học Y khoa của đại học Osaka - đã quyết định sử dụng bilirubin - chất được sản sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phân hủy và vitamin C vì cả hai chất này đều kiểm soát chức năng gan.

Khi các tế bào iPS và hai chất này được đưa vào một hộp chứa trong điều kiện nhất định và nuôi cấy, mô gan có cấu trúc phức tạp khoảng 0,5 mm đã được hình thành.

Trong các thí nghiệm trên chuột bị suy gan nặng, hơn 50% số chuột được cấy ghép hàng nghìn mô gan organoid vẫn sống sau 30 ngày, cao hơn nhiều so với tỷ lệ sống sót dưới 30% ở những con chuột không được điều trị như vậy.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng công nghệ sản xuất gan organoid có thể được ứng dụng để phát triển các thiết bị gan nhân tạo, chẳng hạn như dùng cho lọc máu thay thế chức năng gan.

Với kết quả này, Giáo sư Takebe cho biết, việc điều trị bằng organoid đã trở nên khá thực tế.