Nguy cơ 100 núi lửa ở Nam Cực phun trào đe dọa Trái Đất

Admin

Nam Cực – lục địa trắng xóa tưởng chừng như bất động có thể sớm trở thành nơi diễn ra một chuỗi các vụ phun trào núi lửa, đe dọa làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan Trái Đất. Đây là cảnh báo từ một nghiên cứu mới, chỉ ra rằng băng tan đang làm tăng nguy cơ kích hoạt hàng trăm núi lửa chìm dưới lớp băng dày.

Bí mật dưới lớp băng vĩnh cửu

Ẩn sâu dưới lớp băng dày hàng kilomet là ít nhất 138 núi lửa , trong đó hơn 100 núi lửa vẫn đang chìm trong trạng thái "ngủ yên". Trọng lượng khổng lồ của băng – ước tính lên tới 24,38 triệu gigatonnes (1 gigatonne bằng 1.000 tỷ kilôgam) – đang đóng vai trò như một chiếc nút chai, ngăn chặn magma trong các buồng núi lửa tràn ra.

Tuy nhiên, khi băng tan nhanh chóng do biến đổi khí hậu, áp lực này giảm đi. Theo các nhà khoa học từ Đại học Brown, Mỹ, quá trình "giảm tải" này có thể dẫn đến các đợt phun trào lớn hơn và dày đặc hơn.

“Lớp băng đang bị tan chảy, khiến magma có cơ hội mở rộng và tăng áp lực trong các buồng núi lửa,” nghiên cứu công bố trên tạp chí Geochemistry, Geophysics, Geosystems nhấn mạnh. "Khí CO2 và nước hòa tan trong magma cũng sẽ tạo thành bong bóng khí, làm gia tăng thêm áp lực và cuối cùng gây phun trào."

'Hiệu ứng domino' nguy hiểm

Nguy cơ 100 núi lửa ở Nam Cực phun trào đe dọa Trái Đất- Ảnh 1.

Băng tan có thể khiến núi lửa phun trào

Hầu hết các núi lửa ở Nam Cực là núi lửa ngầm, nên các vụ phun trào sẽ không dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, sức nóng từ chúng sẽ đẩy nhanh tốc độ tan chảy của băng, tạo ra một vòng lặp nguy hiểm: băng tan, magma thoát ra, băng tan thêm.

Quá trình này không diễn ra trong ngày một ngày hai, mà kéo dài hàng thế kỷ. Điều đáng lo ngại là, ngay cả khi con người ngừng phát thải khí nhà kính, tác động này vẫn sẽ tiếp diễn, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Từ năm 1992 đến 2017, Nam Cực đã mất 3.000 tỷ tấn băng, với tốc độ tan chảy hiện tại nhanh gấp ba lần so với một thập kỷ trước. Lượng băng này chứa đến 90% nước ngọt của thế giới. Nếu tất cả băng ở Nam Cực tan hết, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 60m.

Theo Metro