Phản ứng gay gắt từ người tiêu dùng diễn ra sau khi loạt thông tin đáng báo động về mức độ ô nhiễm nhựa mà công ty gây ra được công bố. Báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Oceana và nhiều nhóm bảo vệ môi trường như Greenpeace đã chỉ rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đặt Coca-Cola vào trung tâm của cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.
Theo tổ chức Screenshot Media và Oceana, Coca-Cola đã bị xếp hạng là công ty gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp. Mỗi năm, tập đoàn này tiêu thụ và phân phối hơn 100 tỷ chai nhựa dùng một lần. Phần lớn trong số này không được tái chế đúng cách, mà thay vào đó kết thúc hành trình trong các bãi rác, sông suối và đại dương.
Dự báo của Oceana cho thấy rằng vào năm 2030, sản phẩm của Coca-Cola sẽ góp phần thải ra khoảng 602 triệu kg nhựa vào các vùng biển và hệ thống nước trên toàn thế giới mỗi năm.
Greenpeace đã chỉ trích Coca-Cola vì sự phụ thuộc dai dẳng vào nhựa dùng một lần cũng như mối liên hệ mật thiết của hãng này với các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch - ngành sản xuất nhựa chủ yếu từ dầu mỏ. Những lời chỉ trích này đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nơi người tiêu dùng chia sẻ các thống kê đáng báo động và kêu gọi cộng đồng tẩy chay sản phẩm của Coca-Cola.
Ô nhiễm nhựa không còn là câu chuyện xa vời. Khi các chai nhựa phân hủy, chúng tạo ra vi nhựa - những hạt nhỏ li ti có thể xâm nhập vào thực phẩm và nguồn nước uống của con người. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi nhựa trong máu, phổi, dịch buồng trứng và thậm chí là nhau thai của con người, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng cho sức khỏe toàn cầu.

Coca-Cola thải ra lượng rác thải nhựa khổng lồ hằng năm. (Ảnh minh hoạ: Greenpeace)
Đối với động vật hoang dã, đặc biệt là sinh vật biển, rác thải nhựa là mối hiểm họa chết người. Cá voi, rùa, chim biển thường nhầm lẫn nhựa với thức ăn, dẫn đến tắc nghẽn hệ tiêu hóa và tử vong do đói. Nhiều loài chim còn nhặt nhựa để làm tổ, vô tình khiến con non tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ khi mới chào đời.
Không dừng lại ở đó, quy trình sản xuất chai nhựa cũng thải ra lượng khí carbon khổng lồ - nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Từ khâu sản xuất cho đến vận chuyển, mỗi chai nước ngọt đều để lại dấu chân carbon không nhỏ lên hành tinh.
Trước áp lực gia tăng từ dư luận và các tổ chức môi trường, Coca-Cola cho biết đã triển khai một số sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hãng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế và cam kết đến năm 2030 sẽ "thu gom và tái chế số lượng chai tương đương với những gì họ bán ra".
Ngoài ra, Coca-Cola cũng đã thử nghiệm việc gắn nắp chai liền với thân chai tại một số thị trường để giảm tình trạng nắp chai bị vứt bừa bãi - một bước đi nhỏ nhưng được đánh giá là có ý nghĩa.
Tuy vậy, giới phê bình cho rằng những nỗ lực này chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi thực sự, đặc biệt khi doanh số bán ra hàng chục tỷ chai nhựa mỗi năm vẫn không ngừng tăng.
Giới bảo vệ môi trường cảnh báo, nếu không hành động quyết liệt và minh bạch hơn, Coca-Cola có thể sẽ phải trả giá bằng chính niềm tin và túi tiền của người tiêu dùng - thứ vốn dĩ là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp.

Những người biểu tình phản đối tác hại đối với môi trường từ các sản phẩm của Coca-Cola. (Ảnh: Gretchen)
Trong khi đó, các chuyên gia môi trường khuyến cáo người tiêu dùng nên chuyển sang sử dụng đồ uống đóng trong chai thủy tinh hoặc lon nhôm, bởi đây là những vật liệu có tỷ lệ tái chế cao hơn nhiều so với nhựa. Việc mang theo bình nước cá nhân cũng là một cách thiết thực để giảm phụ thuộc vào đồ uống đóng chai nhựa.
Ở cấp độ cộng đồng, việc ủng hộ các chính sách cấm nhựa dùng một lần như túi nylon hay ống hút nhựa đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt tại nhiều địa phương. Chính quyền các thành phố lớn trên thế giới đang dần áp dụng các biện pháp tương tự để hạn chế rác thải nhựa từ nguồn gốc.
Cuối cùng, hành động đơn giản nhưng không kém phần quan trọng là phân loại và tái chế đúng cách các vỏ chai sau khi sử dụng. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ chúng bị đổ thẳng ra môi trường tự nhiên, nơi mà hậu quả của chúng có thể kéo dài hàng thế kỷ.