Người phụ nữ làm trong ngành ngân hàng gửi 32 tỷ đồng tiết kiệm, 1 tháng sau số dư còn hơn 3.000 đồng, công an thông báo: ‘Giám đốc chi nhánh đã đứng đằng sau’

Admin

Khoản tiền gửi ngân hàng hơn 30 tỷ đã trở thành “cơn ác mộng” với người phụ nữ này.

Năm 2012, bà Triệu Văn (tên đã được thay đổi) làm việc trong ngành ngân hàng và có người quen giới thiệu chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại đường Hưng Long, thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cam kết nếu gửi 10 triệu tệ trong vòng một tháng, bà sẽ được nhận 180.000 tệ tiền lãi - gấp 6 lần mức lãi suất thông thường. 

Do tin tưởng vào uy tín của ngân hàng và nghĩ đây chỉ là “hình thức khuyến mãi nội bộ” trong hệ thống, bà đã chuyển 4 khoản tổng cộng 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 32,5 tỷ đồng) vào tài khoản cá nhân tại chi nhánh này vào ngày 6/4/2012. Vài ngày sau, bà nhận được khoản lãi đúng như cam kết.

Tuy nhiên, đến ngày 7/5/2012, khi đến ngân hàng rút tiền, bà hoảng hốt phát hiện trong sổ chỉ còn lại 1 nhân dân tệ (khoảng 3.250 đồng). Trong khi đó, sao kê tài khoản vẫn hiển thị đầy đủ số tiền gửi là 10 triệu + 1 tệ, tức không hề có biến động rút tiền nào được cập nhật.

Ngay sau đó, bà Triệu đã gặp trực tiếp ông Lý Quân - giám đốc chi nhánh Hưng Long, người thừa nhận đã “mượn tạm” khoản tiền để xoay xở việc riêng và hứa sẽ sớm hoàn lại. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào ông Lý có thể rút toàn bộ số tiền mà không cần mật khẩu, giấy tờ hay chữ ký của chủ tài khoản.

Theo điều tra, ông Lý đã lợi dụng chức vụ, yêu cầu bà Triệu nhập mã kiểm tra số dư ngay tại quầy, nhưng thực chất đã chuyển hướng thao tác sang giao dịch chuyển tiền. Khi bà nhập mã, hệ thống hiểu là “xác nhận lệnh chuyển”, giúp ông ta dễ dàng thực hiện lệnh chuyển tiền ngay trước mắt nạn nhân mà không ai nghi ngờ.

Theo quy định, thủ tục chuyển tiền cần có giấy tờ, chữ ký, chứng minh thư và sự xác nhận của 3 nhân sự gồm: giao dịch viên, người kiểm tra và người phê duyệt. Nhưng trong trường hợp này, 3 người đó đều là người của ông Lý hoặc do ông trực tiếp chỉ đạo. Như vậy, toàn bộ quy trình được dàn dựng và thực hiện khép kín bởi chính nội bộ ngân hàng.

Ngay sau đó, bà Triệu đã đệ đơn kiện ra Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Bàn Cẩm, yêu cầu Ngân hàng Trung Quốc bồi hoàn lại 10 triệu tệ tiền gửi. Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Bàn Cẩm sau đó đã xác nhận vụ việc, đình chỉ công tác ông Lý Quân và trình báo cơ quan công an.

Theo Công an thành phố Bàn Cẩm, ông Lý đã bị tạm giam hình sự. Lời khai của đồng phạm cũng cho biết ông ta cùng một số người khác đã lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 30,97 triệu tệ (khoảng 106 tỷ VND), bao gồm cả khoản tiền của bà Triệu. Thủ đoạn chung là dụ dỗ khách gửi tiền với lãi suất cao, yêu cầu gửi vào sổ tiết kiệm mở mới, sau đó lợi dụng quyền hạn nội bộ để chuyển toàn bộ số tiền sang tài khoản khác, phần lớn dùng để đầu tư bất động sản hoặc trả nợ lãi cao.

Một quản lý cấp cao tại Ngân hàng Trung Quốc thừa nhận rằng, mục tiêu “vượt chỉ tiêu huy động vốn” đã khiến nhiều chi nhánh ngân hàng sử dụng các hình thức lách luật để thu hút tiền gửi. Áp lực KPI, thiếu giám sát, và cơ chế khuyến khích khách hàng một cách thiếu kiểm soát là những nguyên nhân dẫn đến sai phạm.

Theo Sohu