Tỷ lệ ủng hộ tân Tổng thống ở mức 47%
Theo kết quả cuộc thăm dò được Reuters/Ipsos thực hiện trong 24 giờ đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức, khoảng 47% số người được hỏi có phản ứng tích cực đối với chính quyền của tân Tổng thống. Đây là một tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ ông Trump từng đạt được trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nhưng các quyết sách cụ thể của Tổng thống Trump vào cuối ngày 20/1 đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ giảm xuống.
Theo Reuters, 58% người Mỹ được hỏi cho biết ông Trump không nên ân xá cho tất cả những người bị kết tội liên quan đến việc họ tham gia vụ bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021. Nhưng tân Tổng thống Mỹ chính xác là đã làm gần như vậy khi ký lệnh ân xá cho khoảng 1.500 người từng tham gia vụ bạo loạn.
Trong khi đó, chỉ có 29% người Mỹ được hỏi đồng ý với cách ông Trump xử lý tình trạng chính trị hóa Bộ Tư pháp Mỹ.
Theo Independent, trong khi Tổng thống Trump cáo buộc người tiền nhiệm Joe Biden và chính quyền của ông thực hiện các vụ truy tố có động cơ chính trị, bản thân ông Trump cũng từng tuyên bố sẽ "trừng phạt" những người mà ông cho là đối địch với mình bằng cách sử dụng quyền lực của tổng thống.
Những lời đe dọa này khiến không ít quan chức trong chính quyền Biden, bao gồm cả bản thân cựu Tổng thống, không thể coi nhẹ. Ông Biden đã sử dụng những giờ cuối cùng tại nhiệm để ban hành lệnh ân xá trước cho Tiến sĩ Anthony Fauci, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley và các nhà lập pháp trong ủy ban của Hạ viện Mỹ phụ trách điều tra vụ bạo loạn ở Điện Capitol.
Bên cạnh đó, nhiều người tham gia cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho biết họ hài lòng với cải cách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump.
Khoảng 46% số người được hỏi cho biết họ đánh giá cao những nỗ lực của ông Trump trong việc xử lý vấn đề nhập cư, trong khi 58% khác cho biết họ đồng ý rằng Mỹ nên "giảm đáng kể số lượng người di cư được phép xin tị nạn tại biên giới".
Tổng thống Trump cũng đã ban hành một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến vấn đề nhập cư vào tối 20/1, bao gồm một sắc lệnh chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, mặc dù nội dung này đã được đưa vào Hiến pháp Mỹ.
Một sắc lệnh khác của ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới Mỹ - Mexico để "dựng lên các rào cản vật lý" và triển khai quân theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng.
Những vụ kiện đầu tiên
Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, trong ngày 21/1, 22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng với Quận Columbia và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston và Seattle, khẳng định Tổng thống Trump đã vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Hai vụ kiện tương tự được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, các tổ chức nhập cư và một bà mẹ tương lai đệ đơn chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, mở màn cho cuộc chiến pháp lý lớn đầu tiên của chính quyền ông.
Các vụ kiện nhắm vào một phần cốt lõi trong chiến dịch trấn áp nhập cư toàn diện của Tổng thống.
Theo văn phòng Tổng chưởng lý Massachusetts Andrea Joy Campbell, nếu không bị bãi bỏ, sắc lệnh này sẽ lần đầu tiên phủ nhận quyền công dân của hơn 150.000 trẻ em sinh ra hàng năm tại Mỹ.
"Tổng thống Trump không có thẩm quyền tước bỏ các quyền hiến định", bà Campbell cho biết trong một tuyên bố.
Các bang tham gia vụ kiện cho biết, việc mất quyền công dân sẽ khiến những cá nhân đó không được tiếp cận các chương trình liên bang như bảo hiểm y tế Medicaid và khi họ trưởng thành, sẽ không được làm việc hợp pháp hoặc đi bầu cử.
"Vụ kiện hôm nay ngay lập tức gửi một thông điệp rõ ràng tới chính quyền Trump rằng chúng tôi sẽ bảo vệ người dân và các quyền hiến định cơ bản của họ", Tổng chưởng lý New Jersey Matthew Platkin cho biết trong một tuyên bố.
Nhà Trắng đã không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Theo Reuters, bên cạnh các đơn kiện đã được đệ lên nhắm vào Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk phụ trách và một sắc lệnh mà Tổng thống Trump đã ký làm suy giảm quyền bảo vệ việc làm cho công chức Mỹ, dự kiến sẽ có thêm nhiều vụ kiện từ các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm vận động thách thức các khía cạnh khác trong chương trình nghị sự của ông Trump.