Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Admin

Trong đoàn 80 quân nhân thuộc các lực lượng QĐND Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, có những chiến sĩ quân y từng tham gia nhiệm vụ tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023.

Chiều 30/3, lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho 80 cán bộ, chiến sỹ đi hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất và là lực lượng nòng cốt của các đội hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế của Bộ Quốc phòng từ: Binh chủng Công binh, các Bệnh viện Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cục Cứu hộ - Cứu nạn và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị.

Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

80 quân nhân, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn đảm nhiệm vai trò Tổng Chỉ huy các lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Lần thứ 2 tham gia nhiệm vụ cứu hộ quốc tế sau khi cứu hộ thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2/2023, Trung tá Lại Bá Thành, bác sĩ Khoa gan mật tuỵ, Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho biết, đội Quân y đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ từ 15h chiều 29/3 và đã chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị đầy đủ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, lực lượng quân y gồm 30 người, với nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu bước đầu và vận chuyển các nạn nhân.

Theo Trung tá Lại Bá Thành, nhiệm vụ lần này có phần đặc biệt hơn so với nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Về thời điểm cứu hộ là thực sớm hơn, nguy hiểm hơn so với thời điểm thực hiện cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ 2 là địa hình, thời tiết cũng thay đổi, tuy Myanmar cùng ở khu vực Đông Nam Á nhưng điều kiện khác với Việt Nam, tình hình chính trị phức tạp”.

Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 2.

Trung tá quân y Lại Bá Thành.

Trung tá quân y Lại Bá Thành cũng chia sẻ những kinh nghiệm đặc biệt từ cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sang Myanmar: “Cần thành thục kỹ năng sống của bản thân, các kỹ năng cứu trợ bệnh nhân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với các lực lượng để giữ được an toàn. Balo gồm trang thiết bị cá nhân có thể đảm bảo cuộc sống sinh tồn trong mọi hoàn cảnh cứu hộ cứu nạn là vật bất ly thân”.

Cũng được luyện tập trước và rút kinh nghiệm từ hoạt động cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến sĩ Binh chủng Công binh xác định tâm thế hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Myanmar lần này.

Trung tá Trần Trung Dũng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh cho biết, đội công binh gồm 6 sĩ quan và 24 quân nhân chuyên nghiệp, đã được dự báo nhiệm vụ từ trước sau khi xảy ra động đất tại Myanmar. Theo đó, Binh chủng Công binh đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, các trang bị cứu hộ cứu nạn, chủ yếu là những trang bị cứu hộ cứu nạn cầm tay nhỏ gọn nhưng có khả năng phát hiện, tìm kiếm những nạn nhân bị nạn rất cao. Đáng chú ý là các trang bị: Máy soi chiếu V5, bộ ro 900 có thể tìm kiếm nạn nhân cách xa 15m, cách bức tường 10cm.

“Rút kinh nghiệm từ hoạt động cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đội Cứu sập của Binh chủng Công binh đã thường xuyên tổ chức luyện tập sát với các kịch bản mà đơn vị xây dựng và đã luyện tập sát với điều kiện thực tế. Đơn vị chúng tôi hàng năm đều lựa chọn những cán bộ quân nhân chuyên nghiệp có bản lĩnh, trình độ chuyên môn tham gia vào đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc”, Trung tá Trần Trung Dũng cho biết.

Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 3.

Trung tá Trần Trung Dũng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh.

Cán bộ, chiến sĩ thể hiện tinh thần vinh dự và tự hào khi được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và giúp đỡ nhân dân Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Thiếu tá Phạm Văn Nam, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh chia sẻ: “Bản thân tôi từng tham gia 2 lần đội Công binh số 1 và đội Công binh số 2 của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Với tính chất công việc của mình chúng tôi luôn xác định đây là niềm vinh dự, tự hào để thể hiện mình là một người quân nhân cách mạng, người lính công binh trong thời bình. Đồng thời, luôn xác định rõ nhiệm vụ của QĐND Việt Nam khi tham gia các nhiệm vụ quốc tế”.

Lực lượng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) làm trưởng đoàn, gồm 80 cán bộ chiến sĩ cùng với 5 tấn lương khô, hàng viện trợ và 6 chó nghiệp vụ. Khoảng 60 tấn hàng viện trợ còn lại sẽ đưa sang Myanmar trên chuyến bay tiếp theo.

Dự kiến, sáng 31/3, lực lượng cứu hộ của quân đội Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Myanmar.

Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 4.

Người lính Việt Nam sang Myanmar từng có kinh nghiệm cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 5.