Ngày hội khai mạc tối 27-12 và kéo dài tới ngày 31-12-2024 tại công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM). Ngay trong đêm khai mạc, công viên Lê Văn Tám đã đón rất đông người dân đến tham quan và khám phá ẩm thực, sản phẩm
Người dân thích thú nếm thử đặc sản Lào giữa lòng TP.HCM
Gần 100 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng, đặc sản Lào đã thu hút đông đảo khách tham quan tại Ngày hội du lịch - văn hóa - xúc tiến thương mại Lào - Việt 2024.
Con gái bà Kit - chủ gian hàng bán đồ khô Lào - bận rộn tiếp khách với giọng Việt lơ lớ - Ảnh: NHẬT XUÂN
Bà Kit, chủ gian hàng bán đồ khô Lào, bận rộn phục vụ khách hàng nhưng không quên giới thiệu: "Chúng tôi mang đến hội chợ các món đặc sản quê hương như lạp xưởng, bò khô, heo khô, gạo, nếp và gà nướng. Trong đó, gạo Lào và gạo nếp Lào là hai sản phẩm được khách yêu thích nhất".
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào không chỉ là tình láng giềng mà còn là mối quan hệ keo sơn, thủy chung từ bao đời nay.
Ông cũng cho biết lĩnh vực hợp tác du lịch và văn hóa giữa hai nước đã đạt nhiều bước tiến quan trọng. Việt Nam hiện đứng thứ hai về số lượng du khách đến Lào, trong khi Lào nằm trong top 15 thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Tại TP.HCM, mối quan hệ với các địa phương của Lào luôn được đặc biệt chú trọng. Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị với bốn địa phương lớn của Lào: thủ đô Vientiane, tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet và tỉnh Hủa Phăn. Các sự kiện như ngày hội du lịch - văn hóa lần này không chỉ thắt chặt quan hệ hữu nghị mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa và du lịch song phương.
Theo ban tổ chức, bên cạnh khu vực thương mại, ngày hội còn tổ chức không gian triển lãm về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, trưng bày trang phục truyền thống do sinh viên Lào biểu diễn, giới thiệu họa tiết Naga - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Khu vực trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt - Lào và các hoạt động dân gian Việt Nam như nặn tò he, viết thư pháp cũng thu hút nhiều sự chú ý.