Ngân hàng Mỹ đóng cửa chi nhánh nhiều gấp 7 lần trong quý I/2025, dự báo sẽ đóng toàn bộ vào năm 2041

Admin

Giao dịch trực tuyến và công nghệ mới đang khiến ngân hàng truyền thống ngày càng lỗi thời và tốn kém.

Ngân hàng Mỹ đóng cửa chi nhánh nhiều gấp 7 lần trong quý I/2025, dự báo sẽ đóng toàn bộ vào năm 2041- Ảnh 1.

Tờ The US Sun cho hay thói quen giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến khiến các chi nhánh ngân hàng truyền thống ngày một lỗi thời và tốn kém. Như một hệ quả tất yếu, hàng loạt ngân hàng Mỹ bắt đầu đóng cửa hàng loạt chi nhánh để chuẩn bị cho một xu hướng mới.

Số liệu của S&P Global cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, Mỹ ghi nhận 148 chi nhánh ngân hàng đóng cửa ròng, tăng gấp 7 lần so với chỉ 21 chi nhánh đóng cửa quý IV/2024.

Đồng thời, các ngân hàng đã nộp hơn 300 thông báo đóng cửa chi nhánh lên Cơ quan Kiểm soát Ngoại hối (OCC) trong quý I/2025, bao gồm các đề xuất đóng cửa sắp tới và các bước chuẩn bị tái cấu trúc.

Điều này cho thấy không chỉ chi nhánh đã đóng mà cả kế hoạch đóng cũng tăng mạnh, phản ánh chiến lược dài hạn của ngành trong việc thu hẹp mạng lưới.

Ngân hàng Mỹ đóng cửa chi nhánh nhiều gấp 7 lần trong quý I/2025, dự báo sẽ đóng toàn bộ vào năm 2041- Ảnh 2.

Như vậy tính đến hết tháng 3/2025, tổng cộng gần 400 thông báo đóng cửa đã được lập hồ sơ, cho thấy áp lực thu hẹp mạng lưới ngày càng gia tăng.

Tương tự, tờ Daily Mail thì cho hay đã có 272 chi nhánh ngân hàng đóng cửa trong quý I/2025.

Năm ngoái, các ngân hàng đã đóng cửa tổng cộng 1.043 chi nhánh.

Một nghiên cứu từ Self Financial tiết lộ vào đầu năm nay rằng cuộc "tắm máu" sẽ tăng tốc vào năm 2025, dẫn đến mức giảm các chi nhánh ngân hàng truyền thống thêm 4,11% vào cuối năm.

Những con số này phản ánh xu hướng chuyển dịch sang kênh ngân hàng số, đồng thời là kết quả của chiến lược cắt giảm chi phí và tái cấu trúc hoạt động của ngành ngân hàng.

Xu thế không thể thay đổi

'Việc đóng cửa các chi nhánh ngân hàng ở Mỹ không hề chậm lại và trên thực tế, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy năm 1995 là giai đoạn hoàng kim cuối cùng mà người Mỹ còn phụ thuộc vào chi nhánh ngân hàng địa phương", chuyên gia Darren Kingman từ Root Digital, đồng tác giả của nghiên cứu Self Financial nói với DailyMail.

Trên thực tế từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mạng lưới chi nhánh ngân hàng tại Mỹ đã liên tục co lại do áp lực cạnh tranh từ ngân hàng số và tự động hóa giao dịch.

Tính đến cuối năm 2023, số lượng chi nhánh ngân hàng truyền thống đã giảm dần qua từng năm, đỉnh điểm với 439 chi nhánh bị đóng cửa trong quý III/2024, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Tiếp đó, đợt giãn cách vì đại dịch Covid-19 năm 2020-2021 đã gia tăng thói quen giao dịch trực tuyến của khách hàng, khiến lượt khách đến quầy giảm mạnh. Kể từ đó, nhiều ngân hàng xem việc cắt giảm chi nhánh là cơ hội tối ưu hóa chi phí và tập trung vốn vào nâng cấp nền tảng số.

Trong số 148 chi nhánh ngân hàng đóng cửa ròng quý I/2025, có 50 chi nhánh của U.S. Bancorp, 23 chi nhánh của Wells Fargo, 21 chi nhánh của Citizens Financial Group và 16 chi nhánh của Flagstar Financial, còn lại là những ngân hàng khác.

Báo cáo tuần của OCC cho giai đoạn ngày 16-22/3/2025 thì cho thấy có 32 chi nhánh chính thức đóng cửa, bao gồm các chi nhánh của Wells Fargo, U.S. Bank, PNC, Bank of America và JPMorgan Chase.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình hàng tuần của năm trước, cho thấy giai đoạn tái cấu trúc diễn ra tập trung và nhanh chóng hơn.

Tờ The US Sun cho hay theo một khảo sát mới đây, 70% giao dịch cá nhân tại các ngân hàng lớn hiện diễn ra trên nền tảng số. Việc khách hàng ngày càng quen với giao dịch online qua ứng dụng và web đã làm giảm nhu cầu giao dịch trực tiếp tại quầy, khiến việc đóng cửa chi nhánh truyền thống trở thành xu thế không thể thay đổi.

Ngoài ra, chi phí vận hành chi nhánh bao gồm thuê mặt bằng, nhân công và an ninh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động cũng khiến ngân hàng tích cực đóng cửa các chi nhánh.

Ngân hàng Mỹ đóng cửa chi nhánh nhiều gấp 7 lần trong quý I/2025, dự báo sẽ đóng toàn bộ vào năm 2041- Ảnh 3.

Khi lợi suất tài sản (ROA) bị siết chặt bởi lãi suất và lạm phát, việc đóng một chi nhánh không hiệu quả là cách nhanh chóng để giảm gánh nặng chi phí.

'Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt", chuyên gia Kingman nhận định.

Xóa sổ năm 2041

Cũng theo ông Kingman, do còn 200 triệu người Mỹ vẫn gửi tiền mặt vào ngân hàng thay vì chuyển khoản nên thời gian đóng cửa các chi nhánh sẽ lâu hơn.

Đồng quan điểm, một cuộc khảo sát riêng của GoBankingRates chỉ ra khoảng 45 phần trăm người Mỹ vẫn thích thực hiện các nhu cầu ngân hàng của họ trực tiếp.

Theo Newsweek, việc đóng chi nhánh ảnh hưởng mạnh đến phân khúc khách hàng cao tuổi, thu nhập thấp và khu vực nông thôn, nơi truy cập internet hạn chế. Nhiều nhóm bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo rủi ro "sa thải dịch vụ tài chính" với những khách hàng thiếu điều kiện ngân hàng số.

Bất chấp điều đó, tờ The US Sun cho biết các chuyên gia phân tích dự báo xu hướng thu hẹp mạng lưới chi nhánh sẽ còn tiếp diễn ít nhất 3–5 năm nữa trước khi đạt điểm cân bằng.

Theo kịch bản dài hạn, nếu tốc độ đóng cửa duy trì như hiện tại, mạng lưới chi nhánh truyền thống tại Mỹ có thể chỉ còn dưới 10% so với mức năm 2020 vào năm 2030, và khả năng "kết thúc kỷ nguyên chi nhánh ngân hàng truyền thống" sẽ diễn ra vào khoảng năm 2041.

*Nguồn: S&P Global, The US Sun, Daily Mail