Phát biểu thảo luận tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với dân số hơn 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực tế, nếu không có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, sức chở lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, thì thành phố sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.
Theo bà Lệ, sau thời gian dài chờ đợi, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22/12/2024, và nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực, thể hiện ở số lượng hành khách sử dụng cao hơn dự kiến, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía Đông thành phố.
“Điều này cho thấy, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ”, bà Lệ cho hay.
!["Nếu không có giải pháp đột phá, metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy"- Ảnh 1. "Nếu không có giải pháp đột phá, metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy"- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/15/metrotphcm-1739580113948-17395801145552009116309.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM (bên phải) và đại biểu Tô Thị Bích Châu tại cuộc họp tổ TP.HCM. Ảnh: Văn Phúc
Tuy nhiên, bà Lệ cũng cho biết sự mong mỏi của người dân chưa dừng lại ở metro số 1. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng.
Bà Lệ khẳng định, đây là tuyến metro đi qua nhiều khu dân cư có mật độ cao, là tuyến “xương sống” giúp giảm áp lực giao thông khu vực phía Bắc - Tây TP.HCM. Vì vậy, việc sớm khởi công xây dựng tuyến metro này là yêu cầu cấp thiết của Thành phố và mong mỏi rất lớn của đồng bào Thành phố và khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng chỉ ra rằng, các tuyến metro còn lại vẫn chỉ dừng ở mức quy hoạch, chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện. Nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy, không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò thực sự trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị TP.HCM.
Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, ở nhiệm kỳ này, đầu tư cho các tuyến giao thông ở miền Nam rất mạnh: “Tôi hy vọng sau nhiệm kỳ này, phát triển giao thông của miền Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Bởi vì, chúng ta rất xót xa ngày Tết hoặc các ngày quan trọng thì lũ lượt các xe chở hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM hoặc từ TP.HCM đi các tỉnh phải xếp hàng. Tôi cũng mong với tuyến đường sắt để chở hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Miền Trung sẽ có đột phá, có cơ chế đặc thù”.
!["Nếu không có giải pháp đột phá, metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy"- Ảnh 2. "Nếu không có giải pháp đột phá, metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy"- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/15/to10-1739580113948-17395801145481001501661.jpg)
Đoàn đại biểu TP. Hà Nội họp tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Media Quốc hội
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, với sự cần thiết phải khẩn trương ban hành Nghị Quyết của Quốc hội, nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế đã được nhận diện trong thực tiễn tại TP. Hà Nội và TP.HCM khi tổ chức thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
“Đường sắt đô thị được xác định là xương sống quan trọng về vận tải hành khách công cộng, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn. Theo đó, cụ thể hóa thực hiện Nghị Quyết 15/2022 của Bộ chính trị về phát triển thủ đô Hà Nội, Nghị Quyết số 31 của Bộ chính trị về phát triển TP.HCM và Kết luận số 49 của Bộ chính trị”, ông Thường nói.
Đại biểu đánh giá cao nội dung Tờ trình của Chính phủ và cơ bản nhất tri với 06 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt thí điểm trong dự thảo Nghị Quyết được đệ trình Quốc Hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này. Các cơ chế chính sách đã được nghiên cứu thận trọng trên cơ sở kế thừa các cơ chế chính sách đã, đang được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gia qua, kết hợp tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trong, ngoài nước cũng như dự báo đánh giá các tác động ảnh hưởng trong quá trình thực hiện áp dụng.
“Tôi tin rằng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà nội, TP.HCM được xem xét thông qua lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần của Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng”, ông Thường nhấn mạnh.