Nạn nhân lừa đảo ở biên giới Thái Lan-Myanmar kể lại ký ức bị cưỡng bức và tra tấn dã man

Admin

Hàng nghìn nạn nhân bị lừa đảo và cưỡng bức lao động tại Myanmar được giải cứu, hé lộ những trải nghiệm kinh hoàng về bạo lực và ép buộc.

Các tổ chức tội phạm ở biên giới Myanmar - Thái Lan thường dụ dỗ các nạn nhân bằng lời hứa "việc nhẹ, lương cao" để rồi ép họ tham gia vào đường dây lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia.

Bốn người đàn ông Ethiopia được giải cứu từ một trung tâm lừa đảo đã chia sẻ những ký ức kinh hoàng tại hang ổ lừa đảo ở Myanmar.

Tại một trại quân sự ở Thái Lan, Yotor, 19 tuổi, cho biết anh đã bị trừng phạt nhiều lần và phải chịu các cú sốc từ tra tấn bằng điện hàng ngày. Cùng với ba người đồng hương, anh là một trong số 260 người - hầu hết là nạn nhân của nạn buôn người - vừa được chuyển từ Myanmar sang Thái Lan trong chiến dịch truy quét các trung tâm lừa đảo tại khu vực biên giới.

Liu, một trong 10 công dân Trung Quốc được giải cứu, mô tả những hình phạt kinh hoàng, như chà mặt xuống một tấm lưới kim loại trên sàn. "Nhiều người đã bị đánh đến chết, cảnh tượng rất đẫm máu", anh nói.

Theo Liên hợp quốc, trong nhiều năm qua, các băng nhóm tội phạm đã đưa hàng trăm nghìn người vào các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á, đặc biệt là dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, ép buộc họ tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Chiến dịch trấn áp của Thái Lan được đẩy mạnh sau vụ bắt cóc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh, người bị lừa đến Thái Lan với lời hứa về một công việc hấp dẫn nhưng sau đó bị phát hiện gần thị trấn Myawaddy (Myanmar), trước khi được đưa về nước.

Nạn nhân lừa đảo ở biên giới Thái Lan-Myanmar kể lại ký ức bị cưỡng bức và tra tấn dã man- Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Tháng 2/2025, Thái Lan đã cắt nguồn cung điện, nhiên liệu và internet tại một số khu vực biên giới - một biện pháp được Trung Quốc yêu cầu thực hiện mạnh tay, nhằm triệt phá các trung tâm lừa đảo.

Theo Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, khoảng 7.000 người đã được giải cứu khỏi các cơ sở lừa đảo ở Myanmar và đang chờ được chuyển đến Thái Lan. Trong số này, khoảng 600 công dân Trung Quốc sẽ được hồi hương bằng ba chuyến bay, bắt đầu từ ngày 22/2.

Nạn nhân lừa đảo ở biên giới Thái Lan-Myanmar kể lại ký ức bị cưỡng bức và tra tấn dã man- Ảnh 2.

Hơn 250 người từ 20 quốc gia được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar, sau khi vượt biên vào tỉnh Tak của Thái Lan. (Ảnh: AP)

Một số nạn nhân kể rằng họ bị ép làm việc gần 20 giờ mỗi ngày để lừa đảo những người đàn ông qua các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp. 

Faysal, 21 tuổi, từ Bangladesh, cho biết những người bị ép buộc phải sử dụng các chiêu trò tâm lý để dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền. Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị đánh đập dã man.

"Chúng tôi không phải là kẻ lừa đảo, chúng tôi là nạn nhân", Faysal nói trong khi vẫn chưa hết ám ảnh khỏi những ký ức kinh hoàng.