Mỹ bị quốc gia BRICS áp thuế mạnh, nhắm thẳng vào 3 loại hàng hoá được xuất khẩu nhiều nhất: Mất thị phần ở nơi 'gà đẻ trứng vàng', Washington chật vật đi tìm người mua thay thế

Admin

Một trong những hành động đầu của Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức là áp thuế quan bổ sung với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế với năng lượng nhập khẩu từ Mỹ. Giờ đây, cả ngành này của Mỹ đều đang chịu “cơn địa chấn”.

Mỹ bị quốc gia BRICS áp thuế mạnh, nhắm thẳng vào 3 loại hàng hoá được xuất khẩu nhiều nhất: Mất thị phần ở nơi 'gà đẻ trứng vàng', Washington chật vật đi tìm người mua thay thế- Ảnh 1.

Bắc Kinh đã áp thuế nhập khẩu 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hoá lỏng của Mỹ và 10% đối với dầu thô vào đầu tháng này, ngay sau khi ông Trump áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ nhắm mục tiêu vào nhập khẩu năng lượng vì đây là mục tiêu dễ dàng, dù dầu và LNG chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tác động của việc Bắc Kinh và Washington áp thuế được thể hiện ngay lập tức. Các nhà giao dịch năng lượng của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng các lô hàng nhập khẩu LNG sang châu Âu. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế 10%. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tác động của “cuộc chiến” thuế quan rõ ràng nhất đối với ngành than.

Theo Clyde Russell, cây viết của mục hàng hoá và năng lượng châu Á của Reuters, dầu thô Mỹ chỉ chiếm 2% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc và LNG từ Washington cũng chỉ chiếm 5%. Tuy nhiên, than lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Thị trường chủ yếu tập trung vào việc vị thế của Mỹ là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và là 1 trong 10 nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng này. Mỹ còn là nước xuất khẩu than lớn, vận chuyển loại nguyên liệu này đến hơn 70 quốc gia. Tính đến năm 2023, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 với than của Mỹ, chiếm 6,46% tổng lượng xuất khẩu. Tính đến quý III/2024, Trung Quốc nhận 3,675 triệu tấn than của Mỹ và trở thành nước mua than lẻ lớn thứ 2 của Mỹ sau Ấn Độ.

Giờ đây, điều này có thể sẽ thay đổi khi Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung than không phải chịu thuế từ nơi khác và Mỹ chuyển hướng sang khách hàng lớn nhất là Ấn Độ. Đầu tháng này, Reuters đã dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ cho biết họ dự kiến dòng chảy xuất khẩu than sẽ thay đổi và lưu ý xu hướng có thể làm giảm thị phần của Úc trên thị trường nhập khẩu than của Trung Quốc.

Than cốc là mảng xuất khẩu chịu tác động đáng kể. Đây là loại than được sử dụng để sản xuất thép và Mỹ xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc. Theo Reuters, năm ngoái, xuất khẩu than cốc của Mỹ sang Trung Quốc tăng khoảng 33% lên 1,84 tỷ USD. Xuất khẩu than sang Ấn Độ cũng tăng lên khi quốc gia này tìm cách đa dạng hoá nguồn cung thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nhà cung cấp hàng đầu là Úc.

Theo Russell, các nhà xuất khẩu than của Mỹ có thể nỗ lực duy trì thị phần tại Trung Quốc bằng cách đưa ra các ưu đãi chiết khấu. Ngoài ra, họ có thể “xoay” sang thị trường Ấn Độ khi Trung Quốc tìm nguồn cung khác như Mông Cổ và Nga. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Mông Cổ sẽ tăng xuất khẩu than sang đại lục lên mức 20% trong năm nay, với mục tiêu tăng tổng công suất xuất khẩu lên 165 triệu tấn.

Tuy nhiên, Nga có thể không phải là lựa chọn khả thi sau khi xuất khẩu than của Nga sang Trung Quốc giảm rõ rệt vào năm ngoái. Theo Reuters, than của Nga có khả năng cạnh tranh thấp do chi phí sản xuất cao và tình trạng thiếu hụt năng lực trên tuyến vận chuyển bằng đường sắt. Tức là, giống như Mỹ có ít lựa chọn cho điểm xuất khẩu thay thế, Trung Quốc cũng có ít lựa chọn tìm các nhà cung cấp khác.

Canada là nhà xuất khẩu có thể hưởng lợi từ “cuộc chiến” thuế quan giống như Úc. Nước này có thể sẽ giành lại thị phần tại Trung Quốc khi than của Mỹ chuyển hướng sang Ấn Độ.

Nếu Trung Quốc chuyển sang mua than cốc của Úc và có thể là của Canada nhiều hơn, thì rất có khả năng giá than của Úc sẽ cạnh tranh hơn so với giá của Mỹ, đặc biệt là khi các nhà sản xuất Mỹ chật vật để tìm người mua thay thế cho các lô hàng đã được chuyển đến Trung Quốc.

Tham khảo Reuters