"Cái duyên" chưa tới với bất động sản
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 18/3/2025 vừa qua, cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group, MCK: HSG) đã thông qua hai phương án: phương án 1 là doanh thu thuần 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 400 tỷ đồng; phương án 2 là doanh thu thuần 38.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng.
So với kết quả thực hiện trong niên độ tài chính 2023 - 2024 (39.272 tỷ đồng doanh thu và 515 tỷ đồng lãi ròng), Hoa Sen Group kế hoạch lợi nhuận "đi lùi" so với niên độ trước.
Cổ đông của doanh nghiệp này cũng đã thông qua các định hướng, lộ trình, kế hoạch triển khai chủ trương tái cấu trúc mô hình hoạt động cho các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, phát biểu tại phiên họp thường niên, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, tập đoàn đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án tiềm năng tại Đồng Nai nhằm đón đầu làn sóng phát triển khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Cụ thể, theo ông Vũ, năm ngoái, cổ đông đã thông qua kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân vài trăm tỷ.
Ông nhấn mạnh vị trí chiến lược của sân bay Long Thành - gần hệ thống cảng nước sâu như Cái Mép, Cần Giờ, cùng mạng lưới đường cao tốc kết nối khu vực. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, khả năng tiếp cận tín dụng tốt và lợi thế cung cấp vật liệu xây dựng, Hoa Sen quyết định tham gia phát triển bất động sản.
"HSG phải làm khu đô thị 600-700 ha chứ không làm nhỏ. Long Thành là trung tâm giao thông quan trọng, nơi hội tụ nhiều tuyến đường huyết mạch. Những khu đô thị lớn nhất sẽ tập trung tại đây. Tôi đang triển khai, nhưng chưa thể công bố chi tiết", ông Vũ chia sẻ.
Ông cũng khẳng định, HSG sẽ không đi theo lối mòn của một số tập đoàn bất động sản - huy động tiền từ khách hàng khi pháp lý chưa hoàn thiện rồi chậm bàn giao nhà. Thay vào đó, với nguồn lực dồi dào và lợi thế trong ngành vật liệu xây dựng, tập đoàn sẽ triển khai dự án một cách bài bản và bền vững.
Trên thực tế, Tập đoàn Hoa Sen đã lấn sân bất động sản từ lâu nhưng chưa ghi được dấu ấn tại thị trường này.
Đầu tiên phải kể đến dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept nằm trong khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải, thuộc cụm cảng số 5, được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2005, là công trình hạ tầng quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quy hoạch phát triển định hướng của Chính phủ đến năm 2020.

Lễ ký kết hợp tác phát triển dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen - Gemadept giữa Hoa Sen Group và Gemadept. Ảnh: HSG
Dự án có tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó Hoa Sen Group góp vốn 45%; Công ty CP Gemadept là 51% và một số cổ đông chiến lược khác.
Từng được coi là dự án mang tính "bước ngoặt" của Hoa Sen tuy nhiên, tháng 8/2017, HĐQT HSG đã ban hành Nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept- pháp nhân sở hữu dự án Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen.
Ngoài ra, Hoa Sen Group cũng từng đặt tham vọng trong mảng bất động sản với 4 dự án ở TP.HCM gồm: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông; dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B; dự án căn hộ Hoa Sen Riverview; dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tập đoàn cũng rút vốn khỏi các dự án.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2011 thể hiện, ngày 30/9/2011, HSG đã chuyển nhượng dự án Chung cư cao tầng Phố Đông - Hoa Sen cho phía đối tác liên doanh là Công ty CP Phố Đông.
Năm 2016, Hoa Sen quay trở lại mảng bất động sản với việc thành lập tới các công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm: CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.
Tuy nhiên, tháng 7/2018, Hoa Sen công bố quyết định giải thể Hoa Sen Hội Vân do công ty chấm dứt triển khai Dự án Khu du lịch suối nước nóng Hoa Sen Hội Vân (Phù Cát, Bình Định).
Đến tháng 9/2018, Hoa Sen tiếp tục giải thể CTCP Hoa Sen Vân Hội với lý do công ty ngừng tổ chức, triển khai dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).
Đối với CTCP Hoa Sen Quy Nhơn, Hoa Sen cũng đã ra quyết định giải thể sau khi rút lui khỏi dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Cuối năm 2023, HSG đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% thành lập Hoa Sen Sài Gòn.
Mục đích đầu tư là góp vốn thành lập Công ty trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Hình thức đầu tư là góp vốn thành lập. Trong trường hợp tình hình thị trường thay đổi hoặc Hoa Sen có nhu cầu thu hồi vốn, tập đoàn sẽ chuyển nhượng phần vốn góp cho cổ đông hiện hữu của Hoa Sen Sài Gòn.
Công ty sau thành lập sẽ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng; trong đó phần vốn góp dự kiến của Hoa Sen là 40 tỷ đồng. Người đại diện phần vốn góp là ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group.
Dự án khách sạn gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện
Một trong những công ty con trong mảng bất động sản của Hoa Sen Group đáng chú ý là CTCP Hoa Sen Yên Bái.
Doanh nghiệp này được thành lập ngày 5/5/2016; địa chỉ tại tổ 11, phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà.
Hoa Sen Yên Bái được biết đến là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái (Khách sạn Hoa Sen Yên Bái).

Phối cảnh dự án Khách sạn Hoa Sen Yên Bái. Ảnh: HSG
Theo thiết kế, dự án bao gồm 01 tòa nhà 15 tầng có tổng diện tích sàn 74.410m², được xây dựng thành khu phức hợp cung cấp các hạng mục đa dạng như: trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn 4 sao, nhà hàng tiệc cưới, quán café, căn hộ cao cấp.
Tháng 5/2024, HSG thông qua chủ trương góp thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ Hoa Sen Yên Bái từ 421 tỷ đồng lên mức 621 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tăng vốn là ngày 7/5/2024. Trong đó, mục đích huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.
Sau tăng vốn, Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 97,26% vốn điều lệ và các cổ đông khác sở hữu 2,74% vốn điều lệ tại Hoa Sen Yên Bái.
Ngay sau động thái tăng vốn, HSG chào thầu thi công hoàn thiện kiến trúc và nội thất bao gồm: Cung cấp và lắp đặt nội thất cho các loại phòng khối ngủ, khối công cộng và không gian tiện ích khác của Khách sạn Hoa Sen Yên Bái.
Được biết, dự án triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2020 tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Tính tới 31/12/2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Khách sạn Yên Bái ở mức gần 393 tỷ đồng.