Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì về đề xuất lấn biển làm khu thương mại tự do?

Admin

Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng được lựa chọn để xác định đầu tư khu thương mại tự do trong thời gian thí điểm 5 năm. Sau khi nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách có thể triển khai rộng hơn ở các địa phương khác.

Ngày 20/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay, thành phố đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do.

Khu thương mại tự do khi hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng sẽ bao gồm khoảng 300ha lấn biển. Thành phố chưa công bố vị trí cụ thể của khu lấn biển, đang nghiên cứu, đánh giá toàn diện để xác định định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng.

Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Cường, đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng được lựa chọn để xác định đầu tư khu thương mại tự do trong thời gian thí điểm 5 năm. Sau khi nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách có thể triển khai rộng hơn ở các địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh...

Về đề xuất lấn biển, ông Cường cho hay qua nghiên cứu, trao đổi, ghi nhận ý kiến của chuyên gia, thành phố đã đưa đề xuất này vào đề án. Đề án thành lập khu thương mại tự do đang xin chủ trương của Trung ương, khi Thủ tướng phê duyệt thì mới cho phép nghiên cứu để hình thành khu lấn biển.

Phải có chủ trương trước, sau đó nghiên cứu, mời chuyên gia, hội thảo khoa học và nhiều vấn đề khác nữa. Có thể hình thành được hay không cũng là một bài toán, ông Cường nói.

Do đó, ông Cường cho rằng, không phải trong 5 năm thí điểm mà hình thành khu vực lấn biển. Có thể trong giai đoạn 2035 - 2040, khi TP đã đủ các điều kiện về khoa học kỹ thuật mới làm. Tinh thần của Đà Nẵng là rất quyết tâm, thí điểm xong phải hoàn thành, thành công với khu thương mại tự do. Quá trình đó có sơ kết đánh giá từng chặng để có điều chỉnh.

Quan điểm của Đà Nẵng là trước mắt những vị trí nào có thể làm nhanh được thì giải phóng mặt bằng nhanh, gắn với cảng biển Liên Chiểu, sân bay để hình thành được ba phân khu chính trong khu thương mại tự do.

Đó là các phân khu sản xuất hàng hóa, logistics và thương mại – dịch vụ, để hình thành cơ sở hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do.

Khu thương mại tự do này, khi hoàn thiện hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng, dự kiến sẽ bao gồm khoảng 300 ha lấn biển. Hiện tại, thành phố chưa công bố vị trí cụ thể của khu vực lấn biển, nhưng đang tích cực nghiên cứu và đánh giá toàn diện để xác định định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng.

Xung quanh Cảng Liên Chiểu dự kiến sẽ xây dựng một số dự án hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do.

Xung quanh Cảng Liên Chiểu dự kiến sẽ xây dựng một số dự án hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do.

Được kỳ vọng là mô hình đầu tiên tại Việt Nam, khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay, cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế xuất.

Chính quyền thành phố dự báo, khu thương mại tự do sẽ đóng góp khoảng 8-9% vào GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030 và tăng lên đến 25% vào năm 2050, đồng thời thu hút khoảng 41.000 lao động vào năm 2030 và 137.000 lao động vào năm 2050.

Tổng vốn đầu tư dự kiến cho khu thương mại tự do là khoảng 40.300 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ khi được phê duyệt đến năm 2029, sẽ tập trung xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu 100 nghìn tấn hoặc lớn hơn; hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các vị trí, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng hạ tầng các khu chức năng.

Khái toán mức đầu tư trong giai đoạn này đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, bao gồm 20.755 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng (chiếm 58% tổng vốn) và 15.132 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng (chiếm 42% tổng vốn). 

Phó Chủ tịch Đà Nẵng: Chưa xác định được số lượng cán bộ dôi dưLãnh đạo Đà Nẵng: Không thể kéo dài sai phạm tại chung cư Mường ThanhĐà Nẵng: Thưởng Tết cao nhất 700 triệu đồng, thấp nhất 100 nghìn đồng

Giai đoạn 2, triển khai sau năm 2029, sẽ mở rộng khu thương mại tự do tại khu vực cảng Tiên Sa (dưới chân bán đảo Sơn Trà, sau khi chuyển đổi công năng thành cảng du lịch) và tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt ở trung tâm thành phố. Tổng chi phí ước tính cho giai đoạn này là hơn 4.300 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách.