Làng sinh viên 800 người bị bỏ hoang, trường đại học mất hơn 5.000 học sinh, cả thị trấn ‘bốc hơi’ 23% dân số: Mặt tối của ngành giáo dục Mỹ

Admin

Việc các sinh viên ưu tiên trường đại học hàng đầu cùng suy giảm dân số khiến ngày càng nhiều thị trấn tại Mỹ "dần chết mòn".

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay việc sinh viên Mỹ ưu tiên các trường đại học danh tiếng để có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, học phí ngày càng đắt đỏ và tỷ lệ sinh giảm đang khiến nhiều thị trấn, ký túc xá, làng sinh viên bị bỏ hoang.

Một ví dụ điển hình là khu ký túc xá cũ tại Western Illinois University, từng chứa 800 sinh viên, giờ bỏ hoang và được sử dụng làm bãi huấn luyện cảnh sát với ghế xoay úp, vỏ đạn cao su và đạn sơn.

Nhiều tòa nhà khác đã bị phá dỡ, nhường chỗ cho bãi cỏ hoang, hai tòa ký túc xá nữa sẽ đóng cửa vào mùa hè này, còn nhà ở sinh viên thì hoang vắng chẳng có ai.

Đường phố trong thành phố từng đông đúc đến mức xe cộ di chuyển rất chậm trong học kỳ. Giờ thì không còn nữa.

Làng sinh viên 800 người bị bỏ hoang, trường đại học mất hơn 5.000 học sinh, cả thị trấn ‘bốc hơi’ 23% dân số: Mặt tối của ngành giáo dục Mỹ- Ảnh 1.

"Cảm giác như bạn đang chứng kiến thị trấn chết dần chết mòn vậy", Kalib McGruder, người sinh ra tại Macomb và đã làm việc 28 năm cho sở cảnh sát của trường Western Illinois, cho biết.

Vành đai rỉ sét

Thị trấn Macomb là một trong những khu vực nằm trong "Vành đai rỉ sét mới" (New Rust Belt), thuật ngữ ám chỉ các trường đại học trên khắp nước Mỹ và những thị trấn, làng sinh viên đi kèm đang dần hoang vắng sau quãng thời gian bùng nổ.

Quán Sullivan Taylor Coffee House, tọa lạc tại góc của một tòa nhà uy nghi 130 năm tuổi không xa khuôn viên trường, hầu như không có khách trong suốt học kỳ. Chủ sở hữu Brandon Thompson đã rút tiền tiết kiệm hưu trí, sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng, thậm chí hủy dịch vụ internet tại nhà để giữ cho cửa hàng luôn mở.

"Chúng tôi chỉ còn lại những thứ cơ bản nhất", Thompson, người đang cân nhắc nộp đơn xin phá sản, cho biết.

Trong nhiều thế hệ, các trường cao đẳng trên khắp Hoa Kỳ đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tạo ra việc làm và thu hút sinh viên đến mua sắm và chi tiêu. Số lượng sinh viên tăng lên đã làm tăng ngân sách của trường và giải phóng các trường đại học khỏi việc phải lo lắng về tình trạng kém hiệu quả hoặc cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên sự bùng nổ này đã không còn nữa.

Nghiên cứu của Brookings Metro cho hay ¾ trong số các khu vực đô thị phụ thuộc đặc biệt vào giáo dục đại học đã phải chịu mức tăng trưởng kinh tế yếu hơn từ năm 2011 đến năm 2023 so với toàn bộ đất nước.

Trong thập kỷ trước, hầu hết các khu vực đô thị này đều tăng trưởng nhanh hơn cả nước, nhưng mọi thứ bắt đầu đảo ngược.

Năm 2007, số ca sinh tại Mỹ đạt đỉnh ở mức 4,3 triệu và đã giảm gần như hàng năm kể từ đó, dẫn đến số học sinh cũng giảm dần theo.

Tệ hơn, ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn trường danh giá hơn là những ngôi trường bình thường.

Phân tích của WSJ cho thấy số lượng tuyển sinh tại các trường đại học công lập nổi tiếng nhất đã tăng 9% vào năm 2023 so với năm 2015. Tại các trường đại học tiểu bang khu vực ít được biết đến hơn, số lượng tuyển sinh giảm 2%.

Sự thay đổi này đại diện cho hàng chục nghìn sinh viên đã rời bỏ các thị trấn đại học đang gặp khó khăn.

Làng sinh viên 800 người bị bỏ hoang, trường đại học mất hơn 5.000 học sinh, cả thị trấn ‘bốc hơi’ 23% dân số: Mặt tối của ngành giáo dục Mỹ- Ảnh 2.

Thậm chí dù không trúng tuyển trường danh giá thì ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn không học đại học sau khi tốt nghiệp trung học, tính toán rằng học phí cũng như chi phí cơ hội của những năm mất việc làm là không đáng.

Báo cáo của Hechinger cho thấy ít nhất 242 tổ chức cấp bằng đại học tại Mỹ đã phải đóng cửa trong 10 năm qua.

Giảm 23% dân số

Theo WSJ, dân số của Macomb đã giảm 23% xuống còn khoảng 14.765 người từ năm 2010 đến năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh tại cơ sở Macomb của Đại học Western Illinois đã giảm 47% kể từ năm 2010, từ 10.377 xuống còn 5.511.

Do số lượng tuyển sinh giảm, các viên chức nhà trường đã cắt giảm các chương trình và tăng học phí, khiến việc thu hút sinh viên mới trở nên khó khăn hơn, qua đó tạo thành vòng luẩn quẩn.

Kinh phí sụt giảm khiến trường Western Illinois tại Macomb ngày càng xuống cấp với nhiều vết nứt và lỗ hổng trên lối đi trong khuôn viên trường, sâu đến mức phải dựng rào chắn tạm thời.

Ngoài ra, ít sinh viên hơn tại trường đại học cũng có nghĩa là ít giáo sư hơn. Việc sa thải và bị giảm kinh phí đã làm giảm 38% việc làm tại ngôi trường này trong 11 năm qua.

"Mọi khó khăn cứ tăng dần như một quả cầu tuyết lớn," Krista Bowers Sharpe, phó giáo sư và thủ thư của Western Illinois tại Macomb, cho biết. Cô đã bị sa thải vào tháng này sau 28 năm làm việc tại trường.

Trong khi các trường danh tiếng thu hút thêm được học sinh và có thêm tài chính, qua đó ngày càng vững mạnh thì những ngôi trường như ở Macomb lại dần lụi tàn.

Số lượng tuyển sinh vào trường Western Illinois tại Macomb đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1973, phần lớn là sau năm 2011. Thị trưởng nơi đây cho biết doanh thu thuế bán hàng của thành phố đã giảm "gần như tương ứng" với số lượng sinh viên trong giai đoạn đó.

Nhà hàng và tiệm bánh pizza Vitale tại Macomb từng mở cửa đến tận 2 giờ sáng vào một số đêm.

Làng sinh viên 800 người bị bỏ hoang, trường đại học mất hơn 5.000 học sinh, cả thị trấn ‘bốc hơi’ 23% dân số: Mặt tối của ngành giáo dục Mỹ- Ảnh 3.

"Bây giờ chúng tôi hầu như không thể mở cửa đến tận chín giờ", Julie Dienst, con gái của chủ sở hữu Concetta Vitale, cho biết gia đình muốn bán nhưng không tìm được người mua.

Tờ WSJ cho hay các khu vực vẫn lệ thuộc vào đại học nhỏ như Macomb sẽ phải cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế hoặc đối mặt với sự lụi tàn dần nếu không tìm được hướng phát triển bền vững.

*Nguồn: WSJ