Loạt thương vụ M&A hàng nghìn tỷ
2024 là năm thị trường bất động sản chứng kiến những thương vụ M&A đình đám.
Giữa năm 2024, tờ Korea Economic Daily đưa tin Công ty Tái bảo hiểm toàn cầu Aon Plc - chủ sở hữu Landmark 72, tòa nhà cao nhất Hà Nội - muốn bán 100% cổ phần bất động sản này với giá hơn 1.000 tỷ won (hơn 18.400 tỷ đồng).
Được biết, Landmark 72 là một trong những bất động sản có diện tích sàn lớn nhất Việt Nam (khoảng 608.946 m2), được Aon Plc mua lại từ một công ty xây dựng của Hàn Quốc, với giá 454 tỷ won (khoảng 8.350 tỷ đồng) vào năm 2015.
Trước đó không lâu, một thương vụ cũng dậy sóng là Tập đoàn Keppel (Singapore) công bố thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha cùng tên ở Tp.HCM. Trong thông báo phát đi, Keppel cho biết bên mua là 2 doanh nghiệp Việt gồm Công ty TNHH Hai Thành Viên Đại Phước và CTCP Đầu tư Bất động sản Vinobly, với mỗi bên mua 35% vốn chia làm 2 đợt. Tổng giá trị thương vụ dự kiến trên dưới 7.000 tỷ đồng (tức khoảng gần 300 triệu USD).
Công ty TNHH Sycamore thuộc Capitaland đã mua lại dự án Tân Thành Bình Dương từ CTCP Becamex IDC với giá khoảng 553 triệu USD.
Nishi Nippon Railroad mua 25% cổ phần của Dự án Paragon Đại Phước từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.
Bên cạnh đó, khi đại án Vạn Thịnh Phát được xét xử, loạt dự án “vàng” của gia đình bà Trương Mỹ Lan đã được phía nhà đầu tư nước ngoài đánh tiếng.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH APM Luxe đã ngỏ lời "rất quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát". Cụ thể, đại gia Hàn Quốc này quan tâm tới 3 dự án, gồm:
(1) Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, phường 12, 13 và 18, quận 4, Tp.HCM. Quy mô diện tích dự án khoảng 31,5ha. Dự án này có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng hỗn hợp.
(2) Công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM với quy mô hơn 117ha. Dự án có chức năng là đầu tư xây dựng công viên, trung tâm thương mại, văn phòng khách sạn, hội nghị triển lãm và khu dân cư cao tầng hỗn hợp.
(3) Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp tại quận Ba Đình, Hà Nội có quy mô 3,5ha.
Nước ngoài rót 1,84 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam trong năm 2024
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023, tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về số liệu tổng vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD (tăng 9% so với năm ngoái), chiếm hơn 15%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỷ USD (giảm 61% so với năm 2023).
Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2024 đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm ngoái.
NĐT nước ngoài tìm kiếm phân khúc nào?
Dưới góc độ một quỹ đầu tư, đại diện VinaCapital bên lề Hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 10 nhấn mạnh rằng làn sóng nhà đầu tư ngoại tìm kiếm, thương thảo mua lại dự án bất động sản Việt Nam đang rất sôi động.
Trong chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội cho biết các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có hoạt động tích cực tại Việt Nam. Bên cạnh đó Mỹ và Châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Đơn cử, ngoài các tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, thì thêm “đại gia” từ Malaysia như SkyWorld dang tích cực tìm kiếm quỹ đất mới tại Việt Nam và đang thương thảo để có thêm 2 dự án mới trong năm 2024. Trước đó, công ty này đã chốt thương vụ mua lại quỹ đất hơn 5.200 m2 ở quận 8, Tp.HCM.
Về khẩu vị của nhà đầu tư ngoại, báo cáo từ Savills Việt Nam cho rằng phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Kế đến là bất động sản công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.
Phân khúc bất động sản thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý sẽ được đặt lên ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của nhà đầu tư.