Ngày 18-12, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng hai công ty start-up Comicola và Phygital Labs đưa vào hoạt động khu vực trải nghiệm và giới thiệu dự án “Đế đô khảo cổ ký” tại không gian Nhà Rường thuộc khu vực Phủ Nội vụ - Mở cửa miễn phí Đại Nội Huế về đêm trong 3 ngàyHuế thu phí tham quan riêng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình, không hạ giá vé tham quan Đại Nội
Kết hợp trào lưu ‘túi mù’ và công nghệ khám phá bảo vật triều Nguyễn
Những bảo vật biểu tượng của triều Nguyễn được mô phỏng thành những kho báu ẩn trong ‘túi mù’ đồ chơi cho người dùng khám phá. Công nghệ kết hợp cung cấp những thông tin thú vị về mỗi cổ vật.
Theo đó, kho báu ẩn giấu được đúc mô phỏng từ bộ tứ bảo vật của cố đô Huế, gồm: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ (do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1710) - tượng trưng cho tín ngưỡng; Khẩu Hạ (một trong Cửu vị thần công, được vua Gia Long lệnh đúc năm 1803) tượng trưng cho sức mạnh;
Cao đỉnh (một trong Cửu đỉnh, của vua Minh Mạng lệnh đúc năm 1835) - tượng trưng cho tri thức; và Ngai vàng của vương triều Nguyễn (một trong ba chiếc còn được lưu giữ và bảo tồn ở Huế) - tượng trưng cho quyền lực.
Bảo vật được giấu hoàn toàn trong hòm thạch cao đựng trong hộp giấy tạo thành hộp mù “Đế đô khảo cổ ký”. Người dùng sẽ phải “đào mỏ” bằng cách khai phá lớp thạch cao bên ngoài để bất ngờ nhận được món quà là một trong các bảo vật nêu trên.
Đặc biệt hơn, mỗi bảo vật đều được gắn một chip định danh NFC, cho phép người sưu tập đồ chơi có thể dùng smartphone (có chip đọc NFC, giống như đọc căn cước công dân) để quét và khám phá các thông tin về báu vật như: hiện trạng, những câu chuyện lịch sử thú vị và bổ ích liên quan đến cổ vật, thông tin về dự án…
Với mỗi sản phẩm, người sưu tầm đồ chơi có thể khám phá câu chuyện lịch sử qua hành trình “khảo cổ” đầy bất ngờ và sống động khi dùng smartphone lên món đồ chơi. Người dùng còn có thể sưu tầm hoặc làm quà tặng thú vị dưới dạng các “hộp mù” theo xu hướng hiện nay. Hộp mù "Đế đô khảo cổ ký" dự kiến sẽ được phân phối trên toàn quốc trong tháng 12-2024.
Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đánh giá dự án là một bước đi điển hình trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những giá trị di sản văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc.
“Trong thời đại số, khi mà văn hóa đại chúng và xu hướng mới nổi lên từng ngày, việc kết nối các giá trị truyền thống văn hóa với du khách, với thế hệ trẻ trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, dự án “Đế đô khảo cổ ký” đang chứng minh rằng việc làm sống lại lịch sử và văn hóa một cách sáng tạo có thể tạo ra sức hút mãnh liệt, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z”, ông Trung chia sẻ.
Dùng công nghệ bảo tồn và lan tỏa di sản Việt
Dự án "Đế đô khảo cổ ký" được đánh giá không chỉ mang đến trải nghiệm sưu tầm thú vị mà còn khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về lịch sử dân tộc đến thế hệ trẻ. Dự án thể hiện cách tiếp cận mới trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản và ứng dụng công nghệ tiên phong, góp phần quảng bá văn hóa và di sản Việt Nam theo hướng sáng tạo và bền vững.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói riêng, di sản Việt Nam nói chung. Đây là dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản, mở ra một mô hình khai thác bản quyền di sản để phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng yêu lịch sử, văn hóa.