Phát hiện này được thực hiện tại Karagandy, khu vực trung tâm của Kazakhstan.
Mỏ đất mới, có tên “Kazakhstan mới”, chứa gần 1 triệu tấn các nguyên tố cerium, lanthanum, neodymium và yttrium – những nguyên tố quan trọng dùng để tạo nên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số và ổ cứng máy tính.
“ Khu mỏ hội tụ đủ các yếu tố triển vọng, với tổng trữ lượng đất hiếm ước tính lên tới 935.400 tấn ”, phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan cho biết.
Ước tính sơ bộ cho thấy tổng trữ lượng tại khu mỏ “Kazakhstan mới” có thể lên tới 20 triệu tấn ở độ sâu 300 mét, với hàm lượng đất hiếm trung bình 700 gram mỗi tấn.
Nếu được xác nhận, Kazakhstan sẽ nằm trong top 3 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng.
Ông Georgiy Freiman, Chủ tịch Ủy ban điều hành của Hiệp hội Chuyên gia Khai khoáng Độc lập (PONEN), cho biết hiện mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
“ Để được gọi là mỏ, trước tiên chúng ta phải nghiên cứu đầy đủ các yếu tố khoáng hóa trong khu vực ”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết cần nhiều cuộc thăm dò hơn. “ Cần phải nghiên cứu thủy địa chất, cơ học đất đá, đồng thời đánh giá khả năng khai thác cũng như hình thức tồn tại của các nguyên tố. Phải đánh giá tình hình kinh tế, tính đến tình hình thị trường và nhu cầu của các ngành công nghiệp liên quan ”, ông nói thêm.

Kazakhstan phát hiện đất hiếm. (Ảnh: Euronews)
Việc thăm dò khu mỏ bắt đầu từ năm 2022. Các phát hiện được báo cáo lên chính phủ Kazakhstan vào tháng 10/2024.
Các nhà phân tích nhận định thời điểm công bố thông tin - ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Á - là một bước đi mang tính chiến lược.
Tại hội nghị, Liên minh châu Âu tuyên bố ý định tăng cường hợp tác với Kazakhstan. Khối này đồng thời thông qua một lộ trình hợp tác mới giai đoạn 2025–2026, trong đó đề cập đến việc “đẩy mạnh hợp tác trong thăm dò địa chất, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”.
“ Việc công bố đúng lúc giúp tăng vai trò của Kazakhstan trong việc phát hiện nguyên liệu thô thiết yếu ”, bà Aleška Simkić, đại sứ EU tại Kazakhstan nhận định.
“ Tôi cho rằng Kazakhstan đã thành công trong việc đưa tên mình lên bản đồ EU ”, bà nói thêm, đồng thời lưu ý rằng “vẫn còn nhiều thách thức phía trước” đối với hoạt động khai thác đất hiếm tại quốc gia Trung Á này.
Theo phát hiện ban đầu, việc phát triển khu mỏ có thể mất tới 6 năm và cần khoảng 10 triệu USD (tương đương 9,03 triệu euro) vốn đầu tư.