Huyện Quốc Oai (Hà Nội), giá trúng đấu giá đất "lại nóng", cao nhất lên đến 104 triệu đồng/m2

Admin

Huyện Quốc Oai vừa đấu giá 26 lô đất tại xã Hưng Đạo (hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Đại Thành và Tân Phú vào cuối tháng 12/2024) với mức giá trúng cao nhất 104 triệu một m2.

Huyện Quốc Oai (Hà Nội), giá trúng đấu giá đất "lại nóng", cao nhất lên đến 104 triệu đồng/m2- Ảnh 1.

Cụ thể, 26 thửa đất được đem đấu giá nằm tại khu đất ĐG 31/2019, thuộc thôn Yên Quán, xã Hưng Đạo (trước đây là xã Tân Phú) với diện tích từ 85 m2 đến 122 m2. Vị trí khu đất trên cách trung tâm Thủ đô hơn 20 km về phía tây.

Phiên đấu giá này phải trải qua 6 vòng bỏ phiếu bắt buộc. Mức khởi điểm của vòng đầu tiên là gần 5,5 triệu đồng một m2 và bước giá 3 triệu qua mỗi vòng.

Toàn bộ lô đất này được bán đấu giá thành công. Trong đó, giá trúng cao nhất là 104 triệu đồng và thấp nhất từ 62 triệu đồng một m2. Huyện Quốc Oai dự kiến thu về gần 200 tỷ đồng nếu nhà đầu tư nộp đủ tiền đấu giá đất.

Theo đó, so với phiên đấu các thửa đất tại chính khu này hồi đầu tháng 1/2025, giá trúng lần này tăng 35-50%. Tại phiên đấu giá kéo dài gần 14 tiếng đầu năm nay, 26 thửa đất tại khu ĐG 31/2019 trúng với giá cao nhất 77 triệu đồng và thấp nhất 41 triệu một m2.

Trước đó, vào tháng 11/2024, 20 thửa đất tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai cũng đã được đấu giá thành công, cao nhất gần 95 triệu đồng một m2, gấp 20 lần khởi điểm.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai vừa tổ chức đấu giá 20 thửa đất ở nông thôn (khu LK3, LK4) tại khu đất đấu giá ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú (cách quận Hoàn Kiếm khoảng 24 km) với tổng diện tích hơn 1.700 m2. Các thửa đất có diện tích từ 80 đến 105 m2, giá khởi điểm 4,7 triệu đồng, tương đương khoản tiền đặt trước khoảng 376-494 triệu đồng một lô.

Kết thúc phiên, 20 thửa đã được đấu giá thành công với giá cao nhất lên đến gần 95 triệu đồng một m2, gấp 20 lần mức khởi điểm. Mức trúng thấp nhất gần 71 triệu đồng mỗi m2, cao hơn giá khởi điểm 15 lần.

Mức trúng của phiên đấu giá vào tháng 11/2024 cao hơn khá nhiều so với phiên trước đó diễn ra vào giữa tháng 10. Cụ thể, 54 lô đất tại thôn Trung Sơn, xã Yên Sơn đã được đấu giá thành công, cao nhất gần 55 triệu đồng một m2, gấp 4,4 lần khởi điểm. Mức trúng thấp nhất gần 45 triệu đồng, cao hơn mức khởi điểm 3,6 lần. Nguyên nhân theo một số nhà đầu tư, phiên 14/10 có giá khởi điểm cao hơn, đạt 12,7 triệu đồng một m2. Điều này kéo theo mức cọc cũng cao hơn 2,4-2,6 lần so với phiên mới đây.

Như vậy, sau khi có dấu hiệu “hạ nhiệt” vào đầu năm 2025, đến nay, mức giá trúng đấu giá đất tại huyện Quốc Oai tiếp tục lại “tăng nhiệt” trong bối cảnh thị trường đất nền dân cư (không phải dự án) cũng đang sôi động khi hoạt động mua bán liên tục diễn ra với mức giá giao dịch liên tục tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - dự báo, các phiên đấu giá đất ở Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản (BĐS), nhất là các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng, như đất đấu giá, rất lớn.

Thực tế, tại các khu vực như Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất. Đồng thời, với kỳ vọng rằng, đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.

Đặc biệt, mức giá tăng cao do thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng trưởng “nóng” với nguồn cung vẫn hạn chế, mức giá sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao cùng với kỳ vọng về việc mở rộng thành phố và hạ tầng giao thông.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - cho rằng, dù giá đất tại các vùng ven Hà Nội có xu hướng tăng và hiện vẫn "chưa nguội", tuy nhiên cần cẩn trọng với việc đầu tư qua kênh đấu giá đất nền.

Hiện nay, khi thấy giá bất động sản được duy trì xu hướng tăng trong một thời gian đủ dài, nhiều nhà đầu tư chạy theo tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lại phía sau). Theo đó, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá tiếp tục tăng, rồi đưa ra quyết định mạo hiểm. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, tạo ra các khu đất bỏ hoang, ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung khi dòng tiền bị ứ đọng ở đất đai, không đi vào hoạt động kinh tế khác.