Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 3/2025 đạt 181 nghìn tấn, trị giá 1,06 tỷ USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt 495,8 nghìn tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng, nhưng tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên là do nguồn cung giảm, giá xuất khẩu tăng mạnh.
Giá bình quân xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 5.670 USD/tấn, tăng nóng tới 72,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường, Đức, Ý và Úc là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất trong quý 1/2025.
Trong đó, Mỹ đang chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Tính chung 3 tháng đầu năm, Mỹ đã mua hơn 32.300 tấn cà phê từ Việt Nam, trị giá 180 triệu USD, giảm 13% về lượng nhưng tăng 51% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.565 USD/tấn, tương đương 144.000 đồng/kg, tăng 73,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Việt Nam là nhà cung cấp cà phê robusta số 1 cho Mỹ. Còn tính chung các loại cà phê khác (Arabica, Culi, Cherry, Moka...) thì Việt Nam đứng số 3 (sau Brazil và Colombia). Mức thuế xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Mỹ là 0%.
Cà phê Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ. Cụ thể là Việt Nam là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, giá thành sản xuất loại cà phê này thường thấp hơn so với cà phê arabica và cà phê từ một số quốc gia khác. Điều này giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn về giá khi thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là trong phân khúc cà phê hòa tan, cà phê pha trộn và các sản phẩm cần số lượng lớn với chi phí hợp lý.
Trong khi đó, Mỹ là một thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, cà phê Việt Nam đã dần khẳng định vị thế và tăng trưởng thị phần tại Mỹ, nhất là trong phân khúc robusta. Các nhà nhập khẩu Mỹ tìm đến cà phê Việt Nam để có nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ nhìn chung phát triển tích cực. Các hiệp định thương mại (dù chưa có hiệp định thương mại tự do toàn diện) đã tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hàng hóa Việt Nam, bao gồm cả cà phê, tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế quan ưu đãi (thường là mức thuế MFN, có thể dao động tùy theo chủng loại và thời điểm).
Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung trong nước dồi dào, cùng với việc Mỹ hoãn thực thi thuế đối ứng đối với hầu hết đối tác, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực. Trong dài hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi nguồn cung trong nước đang giảm dần khi vào cuối vụ thu hoạch, áp lực từ vụ thu hoạch mới của Brazil sắp diễn ra và chính sách thuế quan mới.